Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2018, ngay phút giây đầu tiên khi phát biểu mở đầu phiên họp, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vui mừng báo tin về những kết quả mới được cập nhật trong thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến kết quả ấn tượng về chỉ số GDP năm 2018 đạt được ở mức khoảng 7,08%. Cùng với đó, thu ngân sách Nhà nước, nhất là ngân sách Trung ương cũng đạt kết quả đáng mừng; mô hình tăng trưởng có chuyển biến tích cực; tăng trưởng kinh tế đạt được ở mức cao khi mà tăng trưởng tín dụng ở mức thấp và sản lượng dầu thô khai thác giảm; số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm nay cũng cao hơn so với các năm và chưa bao giờ chúng ta xuất siêu trên 7 tỷ USD.
“Bức tranh toàn cảnh, đầy đủ hơn sẽ được đưa ra tại Hội nghị mở rộng Chính phủ với địa phương được tổ chức vào ngày mai”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng thông báo.
Các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt, trong đó chỉ tiêu GDP cả năm 2018 tăng ước 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây đã khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực triển khai thực hiện.
Những kết quả đạt được đã làm cho nền tảng kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định và vững chắc và nền kinh tế đã chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng mới theo hướng bền vững, không còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng và khai khoáng. Trong những chỉ tiêu kinh tế đạt được, có nhiều chỉ tiêu thiết lập những kỷ lục mới như: Dự trữ ngoại hối, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất siêu, vốn FDI thực hiện, khách quốc tế đến Việt Nam…
Điều đáng lưu ý và rất đặc biệt là trong năm nay, cả 3 khu vực kinh tế, được coi là những trụ cột của nền kinh tế, là nông nghiệp; công nghiệp-xây dựng và dịch vụ có mức tăng trưởng khá đồng đều.
Có thể khẳng định, những kết quả ấn tượng này là cơ sở, nền tảng vững chắc để đất nước tiếp tục vững bước tiến lên trên con đường đổi mới và hội nhập.
Với những kết quả tích cực đạt được, Báo cáo về tình hình kinh tế-tài chính được gửi tới phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2018 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đưa ra những nhận định hết sức khả quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 khi đất nước ta có hàng loạt động lực cho tăng trưởng, trong đó phải kể đến nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc; môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt nhiều kết quả khả quan; nông nghiệp phát triển ổn định; căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể khiến cho xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác diễn ra nhanh hơn, tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài; triển vọng hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định CPTPP tạo không gian mới và kỳ vọng mới cho nhà đầu tư nước ngoài… Báo cáo cũng đưa ra dự báo rất khả quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 với mức tăng trưởng GDP đạt từ 6,9-7,1%.
Tất cả những thành tựu, kết quả, khó khăn, hạn chế về phát triển kinh tế-xã hội năm 2018; việc xác định và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp năm 2019 sẽ được thảo luận và quyết định tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vào ngày 28/12.
Nhớ lại những ngày cuối năm 2017, một sự kiện có lẽ sẽ không bao giờ phai mờ trong lịch sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 (diễn ra từ ngày 28-29/12/2017) khi mà lần đầu tiên có sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước và ngày mai 28/12, Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương dự kiến cũng sẽ có sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại các sự kiện quan trọng này đã khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế-xã hội cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị./.
Nguyễn Hoàng