Nén tâm nhang trên vùng đất lửa 

GD&TĐ - Tháng 7 này, giữa lúc cả nước đang triển khai các hoạt động tri ân nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), chúng tôi lại có dịp về Quảng Trị, ghé thăm Thành cổ anh hùng, vào Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9, nơi giữa ngút ngàn Trường Sơn hùng vĩ là hơn 20.000 chiến sĩ đang yên nghỉ trong đất mẹ

Quảng Trị có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ, nhưng nghĩa trang nổi tiếng nhất, được nhiều người tới thăm viếng nhất là Nghĩa trang Trường Sơn nằm trên khu đồi Bến Tắt và Nghĩa trang Đường 9 nằm bên cạnh đường Quốc lộ 9, trên một vùng đồi thuộc địa bàn phường 4, thị xã Đông Hà; cách trung tâm thị xã gần 6km về phía Tây.

Có một điều khó lý giải, dù là bất cứ ai, miễn là người con của đất mẹ Việt Nam, mỗi lần về đất lửa anh hùng Quảng Trị, đến thăm Thành cổ, viếng các anh hùng liệt sĩ đang an nghỉ, đều cảm thấy đây là “ngôi nhà” chung của các liệt sĩ đã hi sinh. Một phần máu xương và nỗi đau của dân tộc Việt Nam hội lại nơi này. Một chốn linh thiêng, chốn linh thiêng giữa Trường Sơn đại ngàn...

Cha tôi, vốn là một người lính đã vào sinh ra tử trong cuộc kháng chiến thần kỳ hơn 30 năm trước, đã kể cho tôi nghe trước chuyến đi này: “Nghĩa trang Trường Sơn gắn chặt với Binh đoàn 559 và con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Suốt 16 năm gian nan ác liệt, hàng triệu tấn bom, hàng vạn tấn chất độc hoá học và các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất của Mỹ đã đổ xuống đây hòng ngăn chặn bước tiến của các đoàn quân chi viện cho mặt trận phía Nam...”.

16 năm, gần 20.000 chiến sỹ đã nằm lại với núi rừng Trường Sơn để hôm nay họ lại quần tụ về đây cũng trên con đường năm xưa. Núi rừng Trường Sơn từng chứng kiến máu xương của người lính thắm đỏ trong màu xanh của đại ngàn nay lại che chở cho linh hồn các anh. Giữa Trường Sơn mênh mông, từng vong linh thanh xuân cứ dội về và thiêng liêng đến bất tận...

Chúng tôi lặng lẽ chia nhau thắp nén hương lên các ngôi mộ nhỏ, lòng không khỏi rưng rưng khi đọc những bia mộ ghi trên đó: Khi các anh hy sinh, không có nhiều người được bước qua tuổi đôi mươi.

Cái nắng chói giữa trưa tháng 7 của miền Trung cũng không xua đi được cảm giác gai lạnh trước từng hàng mộ chí quần tụ trên 11 quả đồi lớn nhỏ. Thế nhưng, ở đây phần lớn các anh còn có được những ngôi mộ ghi tên mình...

Nói thế nào cho hết cảm giác se lạnh, đau đớn của từng người trong chúng tôi khi đứng trước đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị. 81 ngày đêm khói lửa, hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất có lượng bom đạn đổ xuống có lẽ nhiều nhất trên thế giới này.

Triết lý cát bụi lại về với cát bụi chính là đây chăng? Hàng ngàn chiến sĩ hy sinh trong 81 ngày đêm Thành cổ đỏ lửa, không ai có được một nấm mồ. Hàng ngàn tử sĩ của phía bên kia, cũng vùi tan vào cát bụi.

Nhìn ai cũng rưng rưng nước mắt…

Trời chiều tháng 7 của Quảng Trị không lạnh như thế, nhưng trong lòng, có ấm lên được không khi nhớ về những người chiến sĩ đã hy sinh để cho đất nước có được ngày hôm nay. Gió chiều thổi vào từ dòng Thạch Hãn làm không gian càng thêm se lạnh. Dòng Thạch Hãn, cùng với Thành cổ, là nơi có biết bao chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại, trong đó riêng gia đình tôi, có một người chú ruột mà tôi không bao giờ biết mặt... Đứng dưới đài tưởng niệm bên cầu Thạch Hãn, câu thơ nao lòng đọc được ở đâu lại dội về, khắc khoải:

Đò qua Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi hòa sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm

Gió ơi, hãy xoa nhẹ thôi nhé, trên dòng sông lịch sử miền Trung, để sóng nước được gợn nhẹ ngàn năm bên linh thiêng Thành cổ anh hùng.

Trường Sơn

482 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1137
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1137
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87126385