Nền kinh tế Việt Nam được chèo lái thế nào trước các cơn sóng lớn 

(Chinhphu.vn) - Các chuyên gia cho rằng, trước “con sóng chao đảo” của tình hình thế giới (lạm phát gia tăng, sụt giảm tăng trưởng) thì Việt Nam giữ vững ổn định vĩ mô là thành công lớn nhất.
Nền kinh tế Việt Nam được chèo lái thế nào trước các cơn sóng lớn - Ảnh 1.

Các đại biểu đều nhất trí cho rằng, cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô - Ảnh VGP

Chiều 28/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" thảo luận về nỗ lực, các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh thế giới biến động chưa từng thấy.

Dự Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi; GS.TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân; PGS.TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (tham dự trực tuyến từ đầu cầu Singapore).

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, điều phối nội dung Tọa đàm.

Cơn sóng lớn từ bên ngoài

Các ý kiến tại tọa đàm đều nhất trí cho rằng, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, chúng ta đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đã đề ra, như giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, an toàn, an dân, tăng cường đối ngoại và hội nhập. Trong điều kiện rất khó khăn, GDP quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng.

Những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng trong bối cảnh trong và ngoài nước khó khăn, thách thức chưa từng có trong nhiều năm và khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, nhiều vấn đề chưa từng có tiền lệ, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhất trí đánh giá.

Cuối năm 2021 và năm 2022, chúng ta kỳ vọng là sau khi vượt qua dịch COVID-19, các nền kinh tế sẽ đến thời kỳ phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực tiễn không như dự báo, thậm chí có những yếu tố như những cuộc xung đột chính trị, tài chính - tiền tệ… đã làm chậm quá trình phục hồi, thậm chí đẩy nền kinh tế đến nguy cơ suy thoái.

Một số nhân tố trên thế giới ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô của các nước, trong đó yếu tố lạm phát là yếu tố lớn, xuất phát từ Mỹ, châu Âu, tác động lan toả trên toàn cầu.

Nhiều nước phải bung ra các giải pháp ứng phó với tình hình lạm phát gia tăng, đặc biệt là giải pháp tài khoá, tiền tệ.

Fed (Cục Dự trữ Liên bang, Hoa Kỳ) liên tục tăng mức lãi suất ở biên độ lớn, các ngân hàng Trung ương của châu Âu và các nền kinh tế lớn đều có động thái tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục đối diện với áp lực gia tăng từ bên ngoài như nhu cầu thế giới giảm mạnh mà nhiều người hay nói là thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất…

"Điều quan trọng nhất chúng ta đạt được chính là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu Quốc hội giao, cũng như đảm bảo các cân đối lớn, điều hành giải pháp tiền tệ, tài khoá ở mức hợp lý, không tạo ra cú sốc lớn", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Thứ trưởng so sánh, sau khi hết quý I/2023, tốc độ tăng trưởng GDP nước ta đạt 3,32%, trong khi các đối tác chính, nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng thấp như Mỹ đạt 1,6%; EU đạt 1,3%; Nhật Bản đạt 1,3%; Hàn Quốc đạt 0,8%. Khi tăng trưởng thấp, cầu tiêu dùng của những nền kinh tế này cũng giảm theo, dẫn tới đơn hàng của doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra của chúng ta bị ảnh hưởng.

Đồng quan điểm, TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu cho rằng, thế giới kỳ vọng vượt qua đại dịch thì kinh tế phát triển khá hơn nhưng không ngờ ảnh hưởng ngấm sâu vào sức khỏe nền kinh tế.

Vững tay chèo lái

Nhưng đáng mừng là Việt Nam đang thể hiện bản lĩnh tốt, TS Vũ Minh Khương nói. Con tàu kinh tế Việt Nam có sự chèo lái vững vàng, hệ số tín nhiệm cải thiện, thu chi ngân sách tốt, lạm phát kiểm soát chặt chẽ so với nhiều nước. "Các nhà đầu tư mà chúng tôi làm việc háo hức muốn vào Việt Nam".

Theo TS Vũ Minh Khương, khó khăn tạo ra tâm lý ức chế cho DN. Từ khó khăn này cho thấy mô hình kinh tế bắt đầu bộc lộ áp lực lớn phải đổi thay. Đã đến lúc phải nhìn nhận lại căn bản về nâng cao mô hình tăng trưởng thời gian tới.

Ông cho rằng, điều đáng mừng là các địa phương có sự trưởng thành nhanh chóng, có hoài bão lớn đóng góp cho hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam phồn vinh vào 2045. Lãnh đạo các địa phương như TPHCM, Hải Phòng đều rất lắng nghe, mong muốn học hỏi kinh nghiệm của các nước để áp dụng vào phát triển đất nước. Chúng ta đang bước vào giai đoạn mới của tăng trưởng, đòi hỏi có sự đột phá về tư duy, ông đánh giá.

Đồng ý với TS Vũ Minh Khương, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, trước "con sóng chao đảo" của tình hình thế giới (lạm phát gia tăng, sụt giảm tăng trưởng) thì Việt Nam giữ vững ổn định vĩ mô là thành công lớn nhất. Chúng ta điều hành chính sách tài khóa kịp thời, phù hợp, hiệu quả.

Ông lấy ví dụ, trong bối cảnh đại dịch, nhiều nước dùng chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng nhưng để lại hậu quả là lạm phát tăng. Chúng ta cũng hỗ trợ nhưng không rơi vào bẫy lạm phát.

Chính sách tiền tệ cũng được điều hành tốt, giúp duy trì giá trị đồng tiền, từ đó, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh. Chúng ta 3 lần giảm lãi suất điều hành, là một trong những nước tiên phong về giảm lãi suất.

Theo TS Vũ Minh Khương, phản ứng của Việt Nam rất nhạy bén. "Các nhà đầu tư quốc tế nói khả năng ứng đáp cũng Việt Nam khá tốt, Việt Nam đồng là đồng tiền tốt nhất, các đồng tiền khác đều mất giá. Tất nhiên ổn định đồng tiền có thể khiến các DN xuất khẩu gặp khó khăn, nhưng mừng là các thặng dư vãng lai tốt, thu hút FDI tốt, hoạt động xuất khẩu khá tốt... Về vĩ mô là tốt, thúc đẩy đầu tư công, các công trình cao tốc, dự án đã được Chính phủ triển khai quyết liệt, khi khó khăn là tháo gỡ ngay".

Thế giới có nhiều đổi thay ghê gớm, có yếu tố không thể tưởng tượng. Tuy nhiên, theo TS Vũ Minh Khương, nhiều ý kiến đánh giá cao, dù thế giới chao đảo thế nào thì Việt Nam vẫn giữ ổn định chính trị, Chính phủ điều hành quyết liệt, tâm lý người dân vững vàng, trên dưới một lòng.

Cần 2 chữ "hài hòa"

"Đứng từ góc độ Bộ Tài chính là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về chính sách tài khóa, tôi đánh giá chính sách tài khóa trong những năm vừa qua chính là điểm tựa, bệ đỡ cho chúng ta thực hiện các nhiệm vụ vĩ mô khác. Anh Cường cũng đã nói chúng ta vẫn còn dư địa, và chúng ta vẫn đang tiếp tục sử dụng nó", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết.

Ông nhấn mạnh, điều chúng ta làm tốt thời gian qua là "hài hòa" chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

"Nếu chúng ta làm cho tài khóa thâm hụt, Nhà nước phải tiếp tục ra thị trường vay mượn nhiều hơn thì lãi suất có thể tăng lên. Lãi suất tăng thì lãi suất trái phiếu Chính phủ phải tăng, sẽ tác động đến toàn bộ hệ thống lãi suất, vì lãi suất Chính phủ là lãi suất nền. Cho nên, dựa trên kinh nghiệm và kết quả thời gian vừa qua, chúng ta cần hết sức lưu ý hài hòa các chính sách". Thứ trưởng nêu rõ, kết quả nợ công giảm là một điểm sáng thời gian qua.

Nói về ổn định kinh tế vĩ mô, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, xã hội rất quan tâm đến vấn đề lạm phát. "Người dân cũng đã hiểu được rằng lạm phát đánh thẳng vào túi tiền của họ. Do vậy, họ rất quan tâm đến vấn đề làm sao kiểm soát lạm phát, vì một khi lạm phát gia tăng, câu chuyện cuộc sống bị đảo lộn, chi tiêu, chi phí tăng lên rất nhiều và sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống".

Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, kết quả kiểm soát lạm phát của chúng ta trong thời gian qua rất đáng ghi nhận, đặc biệt là trong chính sách điều hành kiểm soát giá, v.v…

Tuy nhiên, trước ý kiến trong xã hội đặt vấn đề về việc kiểm soát lạm phát tốt như vậy có phải do số liệu thống kê, Thứ trưởng khẳng định, số liệu tính toán và công bố về chỉ số lạm phát của Việt Nam là hoàn toàn đáng tin cậy và được quốc tế đánh giá.

Nút thắt quan trọng cần tháo gỡ?

Thời gian tới, các đại biểu đều nhất trí tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đây là yếu tố hết sức quan trọng.

"Kinh nghiệm của Singapore là phải có hội đồng định hình chiến lược thời gian tới, quy rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, để tạo đà vượt lên, tạo lòng tin cho xã hội. Nhiều vấn đề phải bàn nhưng những cái đang làm đáng trân trọng và đang đi đúng hướng", TS Vũ Minh Khương chia sẻ. Ông cho rằng, thời gian tới cần đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng.

 "Tôi rất tâm đắc với TS. Vũ Minh Khương nói là chúng ta phải thay đổi tư duy, hành động, đặc biệt là đánh giá cao hành động của một số lãnh đạo địa phương", ông Hoàng Văn Cường bày tỏ. "Nghĩa là phải tháo được nút thắt về mặt thể chế để khơi thông nguồn lực. Trong bối cảnh thế giới chưa phục hồi, thị trường thế giới còn đang hấp thụ yếu thì chúng ta phải khơi thông nguồn lực để tăng năng lực nội địa ở trong nước".

GS Hoàng Văn Cường cho rằng, khi lạm phát được kiểm soát ở mức cho phép thì chúng ta cần tính tới nới lỏng dần chính sách tiền tệ, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp. Và dần chuyển hướng sang tập trung cho tăng trưởng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, để thúc đẩy hỗ trợ cho nền kinh tế, chúng ta phải giải quyết bằng chính sách tài khóa mở rộng. Đó là giãn hoãn thuế, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Tăng cường giải ngân đầu tư công, đầu tư vào hạ tầng, hệ thống đường cao tốc và các hạ tầng khác.

Tín hiệu tích cực từ thị trường trái phiếu DN

Các đại biểu cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô tác động rất lớn đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

"Chúng ta thấy TPDN là một thị trường vốn rất quan trọng cho DN", GS Hoàng Văn Cường nói. Trong năm 2021 và quý I năm 2022, chúng ta chứng kiến thị trường TPDN rất sôi động. Tuy nhiên, sang đầu năm 2022, khi có sự cố một số DN rơi vào khủng hoảng pháp lý, khi đó nhiều nhà đầu tư nhận thấy rủi ro.

Theo GS Hoàng Văn Cường, bản thân DN phát hành trái phiếu không được kiểm soát. Nhưng cũng có yếu tố từ bản thân nhà đầu tư bởi đa phần là trái phiếu phát hành riêng lẻ, theo quy định của luật pháp là chỉ dành cho những người đầu tư chuyên nghiệp hoặc nhà đầu tư tổ chức. Trên thực tế, phần lớn nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu nghĩ rằng giống như gửi ngân hàng. Khi xảy ra sự cố như thế, thị trường TPDN rơi vào khó khăn.

Tuy nhiên, trước khó khăn này, theo các đại biểu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có nhiều quyết định quan trọng để ổn định thị trường, đưa thị trường hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, góp sức cho nền kinh tế và quan trọng là khơi dậy niềm tin của người dân với thị trường này để nó phát triển bền vững. Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà mục tiêu quan trọng hơn là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh rất cần nguồn lực để phục hồi sau đại dịch. Mặc dù chưa phát triển như mong muốn nhưng thị trường cũng đã có những tín hiệu tích cực.

Theo GS Hoàng Văn Cường, với thị trường tài chính, đòi hỏi người tham gia phải có năng lực, am hiểu. Từ góc nhìn chuyên gia, TS Vũ Minh Khương nhìn nhận, Chính phủ đã sát cánh cùng DN tháo gỡ khó khăn. TPDN là kênh huy động vốn rất quan trọng. Nếu không chú ý đầu tư nâng cấp hệ sinh thái TPDN thì khó phát triển.

Khó khăn của thị trường từ nửa cuối năm 2022 đến gần đây, chúng ta đã thấy rất rõ, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói. Giải pháp chủ yếu vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và tài khóa. Nếu giữ được điều này, sẽ là điểm tựa để thị trường tốt dần lên, tiếp tục phát triển.

Cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan đến thị trường, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, trong thời gian ngắn, Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết (số 65 và 08) để gỡ vướng cho thị trường, giúp DN phát hành có điều kiện, công cụ pháp lý, thời gian để giải quyết khó khăn trước mắt; chứ không giật cục. Nguyên tắc xuyên suốt là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. DN phát hành chịu trách nhiệm đến cùng đối với các cam kết của mình với nhà đầu tư. Thông điệp của Chính phủ là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Phản ứng chính sách của Chính phủ rất linh hoạt, trên cơ sở yêu cầu thực tiễn, có nguyên tắc, quy chuẩn, căn cứ khoa học, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói. Từ khi ban hành Nghị quyết 08, đến nay, có 15 DN phát hành TPDN với số tiền 26,4 nghìn tỷ đồng. Đây là tín hiệu tích cực. Tác động chính sách làm cho DN, nhà đầu tư quay trở lại, có thêm niềm tin. Từ khi có Nghị quyết 08, nhiều DN đã đàm phán thành công với nhà đầu tư trong xử lý vướng mắc về thanh khoản (16 DN đã đàm phán với nhà đầu tư để giải quết khoảng 8.000 tỷ đồng TPDN).

Đức Tuân

387 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1473
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1473
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87159556