5G tại Việt Nam không chỉ là data (dữ liệu)

Khác với 2G, 3G hay 4G, 5G không chỉ là thế hệ mạng di động thứ 5 hoặc hệ thống không dây thứ 5. Cuộc thử nghiệm kỹ thuật cuộc gọi 5G đầu tiên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tại Việt Nam được xem là chìa khóa để nhà cung cấp dịch vụ này bước đầu mở cánh cửa kết nối đi vào thế giới công nghệ 4.0. Cơ hội mở ra với các giải pháp vạn vật kết nối Internet (IoT) khi toàn bộ thiết bị gia dụng, hệ thống an ninh, thiết bị theo dõi sức khỏe, khóa cửa, xe hơi và thiết bị đeo… đều được kết nối với nhau và trở thành các thuê bao.

Lãnh đạo Viettel giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về ứng dụng công nghệ AI để lắng nghe khách hàng trên không gian mạng. (Ảnh: N.Hà).

Để giá trị công nghệ thực sự phục vụ người dân, và trở thành động lực phát triển, việc phổ cập hóa phụ thuộc hoàn toàn vào chiến lược số hóa dịch vụ của xã hội. Trong đó, các dịch vụ về media (truyền thông), Fintech (công nghệ tài chính), ứng dụng Blockchain (công nghệ chuỗi khối), Big Data (dữ liệu lớn), AI (trí tuệ nhân tạo)…sẽ giải quyết từng bài toán cho từng nhóm người dùng.

“Thực chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đều phải dựa trên nền tảng viễn thông và công nghệ thông tin. Chúng ta cần có một hạ tầng viễn thông tiên tiến nhất. Bên cạnh việc có một mạng lưới 4G lớn nhất, phủ sóng toàn quốc, một hạ tầng mạng lõi và truyền dẫn được ảo hoá, Viettel sẽ sớm chú trọng xây dựng mạng 5G để đáp ứng các ứng dụng thời gian thực, độ phân giải siêu cao và các kết nối IoT độ trễ siêu nhỏ", ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch Tập đoàn Viettel cho hay.

5G được đơn vị xác định là xương sống trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Không bị động ngồi chờ 5G được triển khai thành công trên thế giới, Viettel đã tiến hành song song vừa nghiên cứu phát triển 5G vừa sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ với nhận định nếu không đi trước, Việt Nam sẽ lại đi sau thế giới một nhịp từ 5-10 năm.

Viettel hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số

Kỹ thuật viên Viettel thao tác tích hợp trạm 5G đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: N.Hà)

Trong chiến lược tiên phong trở thành nhà cung cấp dịch vụ số, đến nay, Viettel đã phát triển hàng loạt sản phẩm, dịch vụ để tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Viettel đã mở rộng các trung tâm dữ liệu điện toán đám mây, nghiên cứu thiết bị 5G, thử nghiệm thành công NB-IoT (công nghệ phát triển dành cho các thiết bị nhằm hỗ trợ kết nối vạn vật). Hay hệ thống sản phẩm, ứng dụng của Vietel được thiết kế cho người dùng, doanh nghiệp đến Chính phủ, như Hệ thống trực canh phát tin cảnh báo thiên tai được thiết kế theo hướng chuyển đổi hình thức thông tin cảnh báo từ phương thức truyền thống sang công nghệ số; Nền tảng xây dựng chatbot (CyberBot), Ứng dụng chuyển phát nhanh, Trung tâm điều hành thành phố thông minh, Dịch vụ truyền tin cảnh báo,… Tất cả là bước đi quan trọng để Viettel chuyển mình trở thành nhà cung cấp dịch vụ số.

Theo lãnh đạo Viettel, giấc mơ về xã hội số Việt Nam trong tương lai sẽ chỉ hiện thực hóa nếu có được một môi trường pháp lý đầy đủ vài sự chuẩn bị thật tốt về hạ tầng, công nghệ, dịch vụ, sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư, triển khai 5G./.

Nguyệt Hà