Nên duyên nhờ mạng xã hội
Anh Nguyễn Đăng Bái (30 tuổi, quê Quảng Trị) quen chị Trần Thị Khánh Vân (27 tuổi, quê Quảng Trị) qua một status của chị Vân ở trên Facebook. Cả hai cưới nhau hơn hai năm và có một cậu con trai. Trước khi vào Sài Gòn làm kế toán, chị Vân từng học đại học ở Đà Nẵng và anh Bái cũng học cao đẳng ở Đà Nẵng nhưng hai người chưa từng gặp nhau.
Cuộc sống hạnh phúc của gia đình anh Bái hiện tại
ẢNH: NVCC
|
Anh Bái vào Sài Gòn làm cho một công ty cơ điện lạnh từ năm 2012. Sau đó hai năm chị Vân cũng vào Sài Gòn lập nghiệp. Theo chị Vân chia sẻ, vào Sài Gòn được hơn một năm thì chị có chia sẻ lên Facebook dòng trạng thái “thả thính” với nội dung than thở chưa có người yêu. Anh Bái thấy status của chị Vân trên Facebook nên nhắn tin tâm sự, hai người quen nhau từ đó. “Anh hâm mộ em từ trước rồi mà em không biết anh thôi”, anh Bái... tán tỉnh.
Câu chuyện của anh Bái và chị Vân được hai người tóm lại trong hai chữ duyên phận. Trước anh Bái, chị Vân được người quen mai mối và gặp gỡ một số người nhưng đều không thành.
Tôi làm kế toán cho một công ty ở quận 12, nhưng lại ở trọ ở Bình Thạnh. Anh ở trọ quận 12 lại làm cho công ty ở Bình Thạnh. Trùng hợp hơn là những người bạn tôi quen hồi còn ở Đà Nẵng cũng là bạn của anh Bái. Sau khi quen nhau, tôi đăng ảnh cả hai lên Facebook, bạn bè vào bình luận thì cả hai mới ngạc nhiên là mình có nhiều bạn chung”, chị Vân kể lại.
Dư hơn 20 triệu đồng/tháng nhờ bán online
Anh Bái có thói quen mang theo đặc sản Quảng Trị khi trở lại Sài Gòn mỗi lần về thăm nhà, sau đó chụp ảnh đăng lên Facebook. Từ những bài đăng ở trên mạng, rất nhiều người quan tâm và hỏi mua. Vốn có năng khiếu trong việc nấu ăn và có đam mê với công việc buôn bán, anh Bái làm thêm việc bán buôn. Đến tháng 5.2019, anh Bái nghỉ hẳn việc ở công ty cơ điện lạnh sau 6 năm gắn bó để tập trung kinh doanh.
Về phía chị Vân, sau khi kết hôn và đón thêm thành viên mới, chị muốn dành nhiều thời gian chăm con nên nghỉ làm ở công ty và phụ chồng bán hàng. Mặt hàng mà vợ chồng anh Bái bán rất đa dạng từ đồ tươi sống, rau củ quả đến các loại bột làm bánh. Nhưng mặt hàng chủ yếu vẫn là các loại bột như bánh ướt, bột gạo, bánh bột lọc, bún…
Cháo bột vịt được nấu từ bột mì
NVCC
|
Anh Bái kiêm luôn shipper đi giao hàng cho khách
NVCC
|
Lớn lên ở làng nghề truyền thống chuyên bột bánh Linh Chiểu ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị nên anh Bái rất am hiểu về những loại bột. Anh chia sẻ: “Không chỉ tôi mà nhiều người miền Trung khác có cái đặc biệt là các loại bột phải do người ở quê làm thì ăn mới ngon. Các loại bột ở đây tôi ăn một cái là khác hẳn ngay. Bí quyết là ở nước ngâm bột mà những nơi khác làm không giống được. Bột lọc nấu với sườn non thì mới ngon còn bột gạo nấu với vịt hoặc cá lóc”.
Bắt đầu một công việc mới không hề dễ dàng. Nhờ số tiền tích góp từ công việc cũ cộng và lượng khách quen ngày càng tăng lên nên công việc buôn bán của vợ chồng anh Bái dần ổn định. So với công việc cũ thì cả hai người đều hài lòng với công việc hiện tại. Anh Bái có niềm vui trong công việc, chị Vân có nhiều thời gian chăm sóc gia đình và gặp gỡ bạn bè. “Nguyên liệu thì có người ở quê phụ gửi xe vào, mỗi lần chuyển mất khoảng 400.000 đồng tiền phí. Chúng tôi không phải tốn tiền mua đồ ăn ở bên ngoài nên mỗi tháng dư được hơn 20 triệu”, chị Vân nói.
Từ ngày chuyển sang buôn bán, anh Bái được mọi người biết đến với tên “Năm Gà”. Chia sẻ về cái tên nghe lạ tai này, anh Bái chỉ biết cười trừ: “Con trai của tôi sinh năm con gà nên lấy Năm Gà đặt tên Facebook, không ngờ lại trở thành thương hiệu luôn. Nhiều người còn không biết tên tôi, liên hệ tôi đặt hàng toàn gọi tôi là Năm”.
Ước mơ mở quán bán món ăn Quảng Trị ở Sài Gòn
Hiện tại, hình thức buôn bán của vợ chồng anh Bái chủ yếu là bán hàng online. Chỉ có hai người nên anh Bái kiêm luôn làm shipper giao hàng cho khách còn chị Vân bán đồ ở nhà. Mỗi lần khách đặt hàng thì anh chị nấu rồi ship đến tận nơi cho khách. Khách của hai anh chị thường là những người miền Trung sinh sống ở Sài Gòn.
Nấm tràm, cá lóc nướng, cá nục nướng chuyển từ Quảng Trị vào
NVCC
|
Chị Đặng Thị Ngọc Bích (43 tuổi) nhà ở quận Tân Phú, TP HCM, khách quen của anh Bái) chia sẻ: “Tôi là người quê gốc Quảng Trị, ở đây cũng mười mấy năm rồi. Tôi thường xuyên đặt mua hàng của anh Bái vì tươi ngon, rất giống ở quê. Đồ ở quê thì khác ở trong này. Tôi đặt nhiều mặt hàng lắm: cá, vịt, gà,… có cá lóc nướng rất ngon”.
“Tôi thường chở thùng xốp để đi giao hàng. Người ta thấy xe của tôi thì tò mò, nhiều người chặn tôi lại hỏi thăm. Chạy xe trên đường, mỗi khi dừng đèn đỏ tôi cố ý dừng ở hàng đầu để người ta thấy thùng xốp của mình”, anh Bái hài hước kể lại.
Anh cũng tâm sự thêm là hai vợ chồng đang tích góp tiền và sắp tới sẽ mở một quán nhỏ ở Sài Gòn bán những món ăn quê hương. “Tôi muốn không chỉ những người ở miền Trung mà những người ở Sài Gòn cũng có thể thưởng thức những món ăn đặc sản Quảng Trị”, anh nói.