Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường. Ảnh: Viết Lam
Công tác tìm kiếm, cứu nạn tại địa bàn vụ sạt lở đất vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, do diện tích sạt lở rộng khoảng 6 ha, với khối lượng bùn đất ước tính hơn 2 triệu mét khối. Nhiều địa điểm bùn sâu trộn lẫn cùng bê tông cốt thép của những ngôi nhà bị đổ sập, vùi lấp khiến cho việc thực hiện nhiệm vụ bằng sức người, máy móc đều rất khó khăn. Cùng với đó, thời tiết tại khu vực đang có mưa to cũng đe dọa sự an toàn của lực lượng triển khai nhiệm vụ.
Cán bộ, chiến sĩ các lực lượng đang nén nỗi đau để thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Viết Lam
Cán bộ, chiến sĩ các lực lượng đang nén nỗi đau để thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Viết Lam
Từ trên đỉnh núi phía sau doanh trại Đoàn Kinh tế quốc phòng 337, có nguy cơ tiếp tục sạt lở bất cứ lúc nào. Ban chỉ huy công tác tìm kiếm tại hiện trường đã bố trí lực lượng cảnh giới, canh gác luôn hướng về khu vực đỉnh núi, sẵn sàng dùng kẻng báo động khi nhận thấy sự mất an toàn. Thế nhưng với mong muốn sớm tìm được đồng đội, đồng chí, lực lượng tại hiện trường vẫn đang nỗ lực, khẩn trương bằng mọi biện pháp để khẩn trương tìm đồng đội đang nằm đâu đó dưới lớp bùn đất lạnh giá.
Thiếu tá Trần Văn Nhuần, Trợ lý Quần chúng, Phòng Chính trị, Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 người ướt sũng bùn đất, mắt đỏ hoe thực hiện nhiệm vụ. Anh nhớ lại đêm kinh hoàng vào rạng sáng 18-10, khi đó toàn đơn vị đang nghỉ ngơi sau một ngày giúp dân chống lũ thì bất thình lình nghe những tiếng nổ lớn. Các anh chạy ra ngoài và chứng kiến cảnh tượng hãi hùng, họ khẩn trương tìm kiếm, phát hiện đưa được 5 người đồng đội của mình ra ngoài.
Khi xảy ra sự việc, mọi ngả đường vào hiện trường đều bị cô lập. Nhận được lệnh của cấp trên, Trung tá Nguyễn Khắc Huy, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Phùng, BĐBP Quảng Trị cùng một tổ công tác của đơn vị đã cắt rừng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ. Khoảng 3 giờ sáng, đoàn đã có mặt tại hiện trường để cùng lực lượng tại chỗ sử dụng sức người bới đất tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp. “Nhận được thông tin, chúng tôi rất bàng hoàng, cán bộ, chiến sĩ đã cắt rừng tiếp cận hiện trường, tìm kiếm mong rằng có thể cứu được ai còn sống sót. Nhưng sự hi vọng càng cạn dần, cán bộ, chiến sĩ lại nén đau thương mong sớm tìm được thi thể đồng đội.” - Trung tá Nguyễn Khắc Huy cho biết.
Máy móc hoạt động liên tục khắc phục sạt lở trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây để việc tiếp cận hiện trường sạt lở dễ dàng hơn. Ảnh: Viết Lam
Đôi mắt trĩu nặng, Đại úy Lê Văn An, Trợ lý Trinh sát Phòng Tham mưu, Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 ôm cuốn sổ theo sát hiện trường cứu hộ, cứu nạn. Anh có nhiệm vụ cùng tổ công tác nhận dạng, ghi chép tỉ mỉ thông tin về nạn nhân vừa được đưa lên khỏi bùn đất. “Tất cả anh, em buổi sáng hôm trước còn cùng nhau đi giúp nhân dân trên địa bàn khắc phục hậu quả bão lũ. Thế mà giờ đây tôi đã mất đi nhiều đồng chí, đồng đội, đau đớn vô cùng.”- Anh An nói khi nước mắt như chỉ chờ rơi xuống.
Được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường, một người từng trải như Thiếu tướng Hà Tân Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 4 cũng không thể giấu được sự đau buồn hiện trên gương mặt. Khi được hỏi về nhiệm vụ cứu hộ, ông cho biết: “Hiện trường cứu nạn rất khó khăn, nguy cơ sạt lở vẫn tiếp diễn. Chúng tôi đang huy động tối đa lực lượng phương tiện, khắc phục mọi khó khăn để sớm tìm được đồng đội. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đang nén nỗi đau để thực hiện nhiệm vụ. Tôi cũng chỉ đạo anh em bằng mọi giá phải đảm bảo sự an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”.
Đêm muộn ngày 18-10, công tác cứu hộ vẫn đang diễn ra rất khẩn trương. Ảnh: Viết Lam
Khi lực lượng cứu hộ đang thực hiện nhiệm vụ, những hồi kẻng liên hồi phát ra, họ khẩn trương cơ động khỏi hiện trường, nhìn lên đỉnh núi từng mảng đất đá vẫn hung tợn đổ về phía chân đồi, nơi có những cán bộ, chiến sĩ còn nằm lại. Ở trên trục đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, các đơn vị cũng đang nỗ lực giải tỏa ách tắc để lực lượng thực hiện nhiệm vụ bớt khó khăn trong triển khai công tác cứu hộ.
Viết Lam