NAPAS góp phần quan trọng triển khai thanh toán dịch vụ công, bảo đảm chuyển mạnh thông suốt 

(Chinhphu.vn) - NAPAS đã có đóng góp quan trọng trong triển khai thanh toán dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết nối các bộ, ngành, các đơn vị cung ứng dịch vụ, đồng thời hợp tác với các tổ chức chuyển mạch quốc tế, bảo đảm hệ thống hoạt động liên tục, ổn định và thông suốt kể cả trong những thời điểm số lượng giao dịch thanh toán tăng đột biến.

 

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng: Đề nghị NAPAS duy trì, vận hành hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử liên tục, ổn định, xuyên suốt trong mọi điều kiện. Ảnh:VGP

Đây là ý kiến của lãnh đạo NHNN tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) được tổ chức ngày 6/1, tại Hà Nội.

Báo cáo tổng kết hoạt động năm 202, bà Nguyễn Thị Hồng Quyên, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành NAPAS cho biết, năm 2021, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, NAPAS vẫn luôn bảo đảm cam kết về chất lượng dịch vụ (SLA) đạt 99,99%. Năng lực xử lý của hệ thống đáp ứng nhu cầu tăng trưởng đột biến về số lượng giao dịch. Trong ngày cao điểm, hệ thống NAPAS đã xử lý hơn 11 triệu giao dịch/ngày, bảo đảm hoạt động liên tục của hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.

Tổng số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS trong năm 2021 tăng trưởng 94% về số lượng giao dịch và 131% về giá trị giao dịch so với năm 2020. Đặc biệt, giao dịch rút tiền mặt ATM xử lý qua hệ thống NAPAS trong năm 2021 lần đầu tiên giảm 5% so với 2020, qua đó thể hiện những nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số.

Năm 2021 cũng là năm NAPAS phối hợp với các ngân hàng thành viên đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới, như Cổng thanh toán trực tuyến NAPAS đã tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối với các bộ, ngành, địa phương để cung cấp dịch vụ công cấp độ 4 cho doanh nghiệp, người dân; các sản phẩm thẻ mới… đáp ứng được nhu cầu phát triển và đa dạng của thị trường.

Sản phẩm chuyển tiền nhanh liên ngân hàng bằng mã VietQR được 14 ngân hàng đầu tiên triển khai vào 15/6/2021. Đến hết năm 2021 đã có 34 ngân hàng, chiếm 90% lượng giao dịch qua NAPAS đã tích hợp thanh toán, chuyển khoản mã VietQR trên ứng dụng ngân hàng số, mobile banking của các ngân hàng. Giải pháp thanh toán bằng mã VietQR mang lại giải trải nghiệm thuận tiện, đơn giản và an toàn cho người dân, cũng như góp phần hạn chế tiếp xúc trực tiếp phòng tránh sự lây nhiễm của dịch bệnh.

Thực hiện lộ trình thay thế thẻ từ sang thẻ chip, NAPAS đã triển khai chương trình hỗ trợ tổ chức thành viên chuyển đổi thẻ chip tiêu chuẩn thẻ chip nội địa với ngân sách là 132 tỷ đồng cho 38 tổ chức thành viên với 5,3 triệu thẻ và 9.300 POS, giúp tăng tính bảo mật.

Để góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong năm 2021 NAPAS đã thực hiện 4 đợt miễn, giảm phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ, tiếp tục triển khai việc miễn 100% phí dịch vụ thanh toán qua Cổng Dịch vụ công quốc gia và các giao dịch chuyển tiền đến ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 của Chính phủ. Tổng số phí NAPAS đã giảm trong năm 2021 lên đến hơn 1.200 tỷ đồng.

 

NAPAS sẽ chủ động hợp tác với các ngân hàng, trung gian thanh toán và đối tác xây dựng mạng lưới thanh toán bán lẻ thuận tiện, an toàn góp phần xây dựng Việt Nam hiện đại, văn minh, hướng tới một xã hội không tiền mặt. Ảnh:VGP.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đã ghi nhận, biểu dương kết quả và những nỗ lực của NAPAS đạt được trong năm 2021. Trong đó, NAPAS đã có đóng góp quan trọng trong triển khai thanh toán dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết nối các bộ, ngành, các đơn vị cung ứng dịch vụ, đồng thời hợp tác với các tổ chức chuyển mạch quốc tế.

Phó Thống đốc đã giao một số nhiệm vụ cho NAPAS cần tập trung nguồn lực triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn ngành.

Thứ nhất, đề nghị NAPAS duy trì, vận hành hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử liên tục, ổn định, xuyên suốt trong mọi điều kiện. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của đơn vị. Đồng thời, cần xây dựng và triển khai hệ thống, phương án dự phòng trước sự tăng trưởng mạnh mẽ về giao dịch thanh toán điện tử hiện nay.

Thứ hai, triển khai tích hợp, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và phát huy tốt hơn nữa việc cung cấp dịch vụ thanh toán dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Chính phủ xác định năm 2022 là năm tập trung chuyển đổi số, chính phủ số, công dân, do đó, lãnh đạo NHNN đề nghị NAPAS cần tập trung hoàn thành mọi nhiệm vụ liên quan đến cung cấp hạ tầng thanh toán dịch vụ công trong thời gian tới.

Thứ ba, tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng thành viên chuyển đổi thẻ chip, để Việt Nam không trở thành vùng trũng tội phạm của các giao dịch thanh toán thẻ.

Thứ tư, chủ động mở rộng kết nối các ngân hàng vào Hệ thống ACH và phát triển các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng ACH nhằm thiết lập hạ tầng thanh toán bán lẻ hiện đại, kết nối đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Thứ năm, tiếp tục mở rộng kết nối chuyển mạch thẻ quốc tế, tuân thủ quy định tại Thông tư 19 của NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng.

Bên cạnh đó, lãnh đạo NHNN cũng đề nghị NAPAS kiện toàn nhân sự cao cấp, chú trọng tăng cường hiệu quả, tốc độ xử lý công việc của đội ngũ cán bộ chủ chốt. Đồng thời, chủ động tăng cường hoạt động truyền thông, tích cực phối hợp các đơn vị xây dựng, triển khai các chương trình truyền thông về các phương thức thanh toán mới, góp phần phổ cập kiến thức và thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân trong thời gian tới.

Anh Minh

477 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 373
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 373
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78095199