|
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn phát biểu tại họp báo - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Ngày 8/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Hà Nội tổ chức họp công bố kết thúc quá trình phê chuẩn và phê duyệt Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Hiệp định VPA/FLEGT sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 0\1/6/2019.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, cho đến khi bắt đầu cấp phép FLEGT, gỗ và sản phẩm gỗ được nhập khẩu từ Việt Nam sẽ tiếp tục phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc theo quy định của Quy chế gỗ của EU nhằm đảm bảo loại trừ rủi ro nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU. Mặt khác, EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho gỗ và sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT tại thị trường EU.
Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường từ việc quản lý rừng tốt hơn tại Việt Nam, cơ chế cấp phép FLEGT sẽ góp phần tăng uy tín ngành chế biến gỗ Việt Nam không chỉ tại thị trường EU mà còn tại các thị trường xuất khẩu khác, các thị trường đang ngày càng có nhu cầu cao về gỗ hợp pháp.
“Hiệp định VPA/FLEGT gửi một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam và EU đối với việc thúc đẩy thực hiện Chương “Thương mại và phát triển bền vững” của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU EVFTA, bao gồm các quy định về quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, việc thực thi Hiệp định trong thời gian tới còn khó khăn và thách thức hơn nhiều quá trình đàm phán. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn tin tưởng với quyết tâm cải cách mạnh mẽ của Chính phủ, cam kết cộng đồng doanh nghiệp và các hộ trồng rừng cùng với sự ủng hộ đồng hành của Liên minh châu Âu, các tổ chức quốc tế… Hiệp định VPA/FLEGT sẽ được thực hiện thành công. Việt Nam sẽ sớm cấp phép FLEGT cho các lô hàng xuất khẩu vào EU, góp phần thúc đấy thương mại song phương giữa EU và Việt Nam, phát triển bền vững ngành chế biến gỗ Việt Nam.
EU là hiện thị trường lớn thứ tư của đồ gỗ Việt Nam. Những năm gần đây, xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường này luôn chiếm tỷ trọng 13-17% tổng kim ngạch thương mại đồ gỗ.
|
XK sản phẩm gỗ sang thị trường EU luôn chiếm tỷ trọng 13-17% tổng kim ngạch thương mại đồ gỗ những năm gần đây - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Hà Nội đã chia sẻ, Việt Nam là quốc gia thứ hai ở châu Á mà EU đã ký kết Hiệp định này, sau Indonesia. Từ sau khi Indonesia triển khai cấp được giấy phép FLEGT, đồ gỗ nước này đã có sự tăng trưởng mạnh tại EU so với trước đây. Đồ gỗ Việt Nam cũng sẽ có sự phát triển mạnh mẽ khi Hiệp định này được thực thi, bởi Việt Nam đang có nguyên liệu rừng trồng cũng như nhập khẩu lớn, ổn định.
Ông Bruno Angelet cho biết, EU sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng Hệ thống VNTLAS và cấp phép FLEGT.
Các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT phối hợp với quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017, theo đó nghiêm cấm việc nhập khẩu, xuất khẩu, khai thác, chế biến và thương mại gỗ bất hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Để thực hiện Hiệp định, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật hài hòa hóa các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT, bao gồm việc xây dựng Nghị định quy định Hệ thống VNTLAS. Nghị định này sẽ được trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2019.
Các bên nhất trí thành lập một Ủy ban thực thi chung Việt Nam–EU (JIC) để giám sát và đánh giá việc thực thi đầy đủ các cam kết của Hiệp định, một quá trình có thể sẽ kéo dài trong vài năm. JIC cũng sẽ đảm bảo cơ chế đối thoại, chia sẻ và công bố thông tin giữa hai bên, đồng thời củng cố hoạt động của Nhóm nòng cốt đa bên về FLEGT của Việt Nam, một diễn đàn rất hiệu quả để giám sát độc lập và truyên truyền về việc thực thi Hiệp định.
Một đánh giá chung sẽ được thực hiện trước khi cơ chế cấp phép FLEGT của Hệ thống VNTLAS chính thức hoạt động để xác định các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT sẵn sàng vận hành theo quy định của Hiệp định.
Hiệp định được triển khai đầy đủ khi cơ chế cấp phép FLEGT bắt đầu hoạt động. Khi đó, mỗi lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ đi kèm với giấy phép FLEGT. Cơ chế cấp phép FLEGT sẽ đảm bảo việc đáp ứng các yêu cầu của Quy chế gỗ của EU, một quy chế được xây dựng nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU.
Đỗ Hương