|
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường phải kiện toàn bộ máy nhân sự trong năm 2019. Ảnh: VGP/Phan Trang. |
Người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng QLTT là lực lượng lớn mạnh, có tính trải rộng, đa dạng về địa lý và sự phối hợp với rất nhiều lực lượng hữu quan như biên phòng, hải quan, thuế, cảnh sát kinh tế... Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, QLTT đã đóng góp rất lớn vào việc bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp chân chính và bảo vệ nền kinh tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận, đang có nhiều tồn tại trong lực lượng QLTT.
Đầu tiên, phải kể đến việc tổ chức bộ máy nhân sự cũng như công tác phối hợp với địa phương chưa hiệu quả; vấn đề kiện toàn ngay tại Tổng cục còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Phải có bộ máy đủ mạnh, tinh thông nghiệp vụ, phẩm chất, mới có thể đáp ứng nhiệm vụ nặng nề được giao. Nếu tổ chức theo ngành dọc hay ngang, nếu nâng cấp Cục thành Tổng cục... mà không thay đổi thì chỉ "bình cũ, rượu mới" chứ không giải quyết được vấn đề gì", Bộ trưởng khẳng định.
Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT trong 4 tháng đầu năm 2019 phải nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ kiện toàn bộ máy, đáp ứng yêu cầu công việc.
Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, vấn đề về năng lực chuyên môn, đạo đức, văn hóa ứng xử của một bộ phận cán bộ QLTT còn bất cập. Việc này xuất phát từ sự lạc hậu, chậm trễ đổi mới trong nhận thức, hành động, sự lỏng lẻo trong công tác phối hợp với các lực lượng khác tại địa phương... Đây chính là điểm yếu của một số cán bộ QLTT, không thể phù hợp trong bối cảnh mới, cần chấn chỉnh, khắc phục ngay.
Nhắc tới việc hai cán bộ quản lý thị trường tỉnh Nghệ An vừa bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận năng lực cán bộ quản lý thị trường "đang có vấn đề, nhiều trường hợp chuyên môn kém dẫn tới vi phạm phẩm chất chính trị, đạo đức". Bộ trưởng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường phải "nêu gương trách nhiệm người đứng đầu" để không lặp lại chuyện lạm dụng chức vụ, quyền lợi.
“Toàn lực lượng QLTT phải có thay đổi như thế nào cho xứng đáng với mô hình tổ chức ngành dọc. Tập trung thực hiện hiệu quả các chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ, Bộ Công Thương; tùy thuộc vào địa điểm của từng địa bàn, địa phương, Tổng cục phải có chỉ đạo, gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục rà soát thực tiễn, hoàn thiện khung khổ pháp lý đảm bảo hiệu quả hoạt động của lực lượng QLTT; tiếp tục hoàn thiện quy chế, quy trình công tác, đạo đức, văn hóa ứng xử, nâng cao chất lượng công chức QLTT, chuẩn hóa lực lượng chính quy, hiện đại; xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp với các địa phương; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông tạo sự gắn kết, chia sẻ, đồng thuận của hệ thống chính trị và người dân...”, Bộ trưởng yêu cầu.
Cũng tại hội nghị, ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia đặt ra câu hỏi ai chịu trách nhiệm về thực trạng hàng giả kém chất lượng ở nhiều nơi, thậm chí công khai, ngang nhiên bày bán từ cổng vào trong chợ. Ông Thế cho rằng, nguyên nhân trước tiên là công chức, cán bộ thực thi nhiệm vụ thiếu trách nhiệm.
Ông đề nghị trong bối cảnh Tổng cục Quản lý thị trường mới được thành lập, đang hoàn thiện bộ máy, cơ cấu tổ chức mới, cần tạo được nền móng vững chắc, "có tâm có tầm" đổi mới thực sự để đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Ở góc độ trực tiếp quản lý, thực thi, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, sau 4 tháng thành lập cơ quan này đã hoàn thiện được 35/63 tổ chức Đảng. Cục nào lập xong tổ chức đảng đã triển khai công tác bổ nhiệm. Việc bổ nhiệm, theo ông Linh, diễn ra đúng quy trình, chặt chẽ và ông cũng hứa coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy nhanh.
Thông tin thêm, ông Trần Hữu Linh cho biết, năm 2018, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm vẫn diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu vào nhóm hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, đường cát, rượu, bia, nước giải khát, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, thuốc lá điếu, pháo nổ... Hoạt động của các đối tượng buôn lậu diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn như hợp thức hóa theo hình thức quay vòng chứng từ, hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; vận chuyển hàng lậu qua đường hàng không dưới hình thức hàng xách tay, hành lý ký gửi vận chuyển nhận sau; các đối tượng thường xuyên thay đổi cung đường, tuyến đường, thời gian, địa điểm xuất hàng và tập kết hàng hóa để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Năm 2018, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 155.583 vụ; phát hiện, xử lý 91.867 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 490,27 tỷ đồng; ước trị giá hàng tịch thu chưa bán trên 92,5 tỷ đồng.
Phan Trang