Nắng nóng kỷ lục, miền Trung quay cuồng trong "cơn khát" 

ANTD.VN - Trong trường hợp nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra đến cuối mùa khô (cuối tháng 7 ở khu vực Bắc Trung bộ, cuối tháng 8 ở khu vực Nam Trung bộ), sẽ có khoảng 138.800 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt.

Bộ NN&PTNT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến tình hình hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng tại các tỉnh Trung bộ và Nam bộ.

Ghi nhận nắng nóng kỷ lục hàng trăm năm

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, tính đến cuối tháng 7/2019, nhiều nước trên thế giới đã ghi nhận kỷ lục mới về nắng nóng và phải ban bố tình trạng khẩn cấp, báo động đỏ như Pháp 45,9 độ C (kỷ lục cũ 44,1 độ C năm 2013), Đức 38,6 độ C (cao hơn 4 độ C so trung bình nhiều năm cùng kỳ), Tây Ban Nha 43 độ C.

Ở Mỹ, tháng 6/2019 có nhiệt độ cao nhất trong lịch sử 140 năm, nhà chức trách đã phải cho mở cửa 600 trung tâm làm mát phục vụ người dân; Ai Cập, nhiều thành phố có nhiệt độ vượt 43 độ C,…

Trong khi đó, Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, nắng nóng bắt đầu xuất hiện gay gắt từ tháng 4/2019 đến nay; trong đó, có 3 đợt đặc biệt gay gắt và kéo dài từ 18-22/4, 3/6-1/7, 5/7 đến nay (đợt nắng nóng từ 3/6-1/7 là một trong những đợt kéo dài nhất trong 30 năm qua).

ảnh 1

Nhiều nơi ở Hà Tĩnh đang gặp khó khăn do hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng

Nhiệt độ trung bình tháng so với TBNN phổ biến cao hơn từ 2-3 độ C; nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 37- 40 độ C, một số điểm vượt ngưỡng giá trị lịch sử, như: Con Cuông (Nghệ An) 43,3 độ C, Quỳ Hợp (Nghệ An) 43 độ C, Đô Lương (Nghệ An) 41 độ C, Hương Khê (Hà Tĩnh) 43,4 độ C (cao nhất trong lịch sử khí tượng), Tuyên Hóa (Quảng Bình) 41,6 độ C.

Khu vực miền Trung, từ Bắc Trung bộ tới Nam Trung  bộ, từ đầu tháng 7 đến nay hầu như không có mưa, một số nơi có mưa với lượng nhỏ, không đáng kể.

Sông, hồ cạn kiệt

Dòng chảy sông, suối phổ biến thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 35-60%, một số sông thiếu hụt trên 70%, như: sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An). Mực nước một số sông đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc lịch sử như sông Thu Bồn, sông Trà Khúc.

ảnh 2

Nhiều đồi chè ở huyện Thanh Chương, Nghệ An cháy khô

Về tình hình các hồ chứa thủy lợi, hiện tại, dung tích các hồ chứa thủy lợi trung bình đạt từ 30-60% dung tích thiết kế, ở mức thấp hơn so với một số năm gần đây, đã có 55 hồ nhỏ đã cạn nước ở khu vực Bắc Trung bộ.

Còn Nam Trung bộ hiện dung tích các hồ chứa thủy lợi trung bình đạt từ 25-55% dung tích, chỉ cao hơn năm 2016 khoảng 6%, hiện có 281/520 hồ nhỏ đã cạn nước.

Đối với hồ thủy điện dung tích trữ hữu ích ở các lưu vực sông thường xuyên tham gia cấp nước cho hạ du ở mức không cao, đặc biệt ở lưu vực Vu Gia - Thu Bồn, các hồ chứa hiện không cung cấp đủ nhu cầu dùng nước.

Gần 140.000 hộ dân thiếu nước

Từ cuối tháng 6, hạn hán, thiếu nước đã bắt đầu gây ảnh hưởng tại miền Trung. Hiện tại, toàn vùng Bắc Trung bộ có 5.240 ha (lúa 3.400 ha, rau màu 1.840 ha) đang bị hạn hán, thiếu nước.

Trong khi đó, có 61.100 hộ bị thiếu nước sinh hoạt: Nghệ An 10.000 hộ, Hà Tĩnh 2.600 hộ, Quảng Bình 30.000 hộ, Quảng Trị 9.500 hộ, Thừa Thiên Huế 9.000 hộ. Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh có khoảng 90% sử dụng nước hộ gia đình (giếng đào, giếng khoan); tỉnh Quảng Trị có 50% sử dụng nước hộ gia đình, 50% sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung quy mô nhỏ. 

Tại Nam Trung bộ, tổng diện tích bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước là 16.340 ha (lúa 15.930 ha, rau màu 410 ha), chiếm 4,6% diện tích lúa và cây hàng năm.

Có 52.840 hộ bị thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 90% sử dụng nước hộ gia đình (giếng đào, giếng khoan)...

Tại văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT cho rằng, trong trường hợp nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra đến cuối mùa khô (cuối tháng 7 ở khu vực Bắc Trung bộ, cuối tháng 8 ở khu vực Nam Trung bộ), sẽ có khoảng 65.500 ha (lúa 55.400 ha, cây hàng năm 10.100 ha) bị hạn hán, thiếu nước và có khoảng 138.800 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt.

Bộ NN&PTNT cho biết, để đảm bảo nước sinh hoạt, Bộ đã chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền các biện pháp sử dụng tiết kiệm nước sinh hoạt; tận dụng mọi nguồn nước hiện có trên địa bàn, chủ động tích, trữ nước vào ao, hồ, lu, bể phục vụ cấp nước hộ gia đình; duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung để phát huy hết công suất thiết kế.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các nhà máy thủy điện thực hiện việc điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ du theo nhu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh, khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn hiện nay. 

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn cho các địa phương…

Tuyết Nhung

450 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1168
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1168
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87165819