|
Chủ tịch Quốc hội chứng kiến Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yunmo - Ảnh: TTXVN |
Đây là văn kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng thể hiện cam kết, quyết tâm của Bộ Công Thương và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc trong nỗ lực đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2020 mà lãnh đạo cấp cao hai bên đã đề ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, Việt Nam vào tháng 11/2017.
Chương trình hành động này vạch ra những hoạt động hợp tác cụ thể giữa hai bên. Theo đó, từ nay đến năm 2020 tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong các ngành linh kiện - phụ tùng, ô tô, dệt may và da giày, điện tử; tạo thuận lợi thương mại cho thương mại nông sản thông qua việc thành lập nhóm công tác 4 bên giữa Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Thương mại, Công nghiệp, Năng lượng Hàn Quốc và các bộ liên quan của hai bên; đào tạo nâng cao năng lực hoạch định chính sách thương mại cho cán bộ của Việt Nam cũng như đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ, chuyên gia và lao động kỹ thuật của Việt Nam trong các ngành công nghiệp cơ bản…
Sau lễ ký, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và người đồng cấp Hàn Quốc đã đồng chủ trì phiên họp giữa kỳ của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Hàn Quốc về hợp tác điện hạt nhân, công nghiệp, năng lượng và thương mại.
Tại phiên họp, hai bên đã rà soát tình hình hợp tác song phương kể từ kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Hàn Quốc tháng 2/2018 và hài lòng nhận thấy hầu hết các nội dung cam kết trong biên bản kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban Hỗn hợp đều đã được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả.
Về khuôn khổ pháp lý, hai Bộ đã thống nhất và hoàn thành ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, MOU hợp tác trong lĩnh vực ô tô, MOU về hợp tác trong lĩnh vực dệt may và da giày, MOU hợp tác trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, MOU hợp tác trong lĩnh vực điện lực, MOU hợp tác về phòng vệ thương mại, MOU hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, MOU về chương trình hành động thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại 100 tỷ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng.
Về đào tạo, riêng trong năm 2018, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã hỗ trợ thực hiện hơn 20 khóa đào tạo cho Việt Nam gồm các khóa đào tạo về chính sách thương mại, về phân phối bán lẻ, về kỹ năng quản lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, về kỹ thuật sản xuất trong lĩnh vực: ô tô, cơ khí/kim loại, điện/điện tử, dệt may…
Trong lĩnh vực công nghệ công nghiệp, Hàn Quốc đã hoàn thành và chuyển giao dự án Vườn ươm công nghệ cho UBND thành phố Cần Thơ; phê duyệt kinh phí ODA cho dự án Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK); phối hợp với Bộ Công Thương điều tra, sơ bộ đánh giá được nhu cầu cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các công ty Hàn Quốc lớn tại Việt Nam; lập danh sách các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; khảo sát tìm kiếm, lập danh sách doanh nghiệp Việt Nam có năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục trên để phục vụ hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực sản xuất các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực: điện tử, ô tô để tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực hợp tác thiết kế, hai bên đã hoàn tất xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Hợp tác thiết kế Việt Nam - Hàn Quốc tại Hà Nội. Dự án có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực thiết kế kiểu dáng, mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với yêu cầu và thị hiếu của thị trường Hàn Quốc cũng như các thị trường xuất khẩu khó tính khác.
Để đẩy mạnh hợp tác thương mại, công nghiệp, năng lượng trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nhất trí nguyên tắc chung, đó là: Chính phủ hai bên cần hoàn thiện chính sách, thể chế, môi trường kinh doanh; củng cố cơ chế hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp trở thành thành tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế, thương mại hai nước; cần nghiên cứu phát triển những lĩnh vực mới trong thương mại, công nghiệp và năng lượng.
(theo TTXVN)