Nâng chất lượng kiểm toán chống thất thu thuế 

(Chinhphu.vn) – Ngày 8/5, Kiểm toán Nhà nước và Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) đã tổ chức Hội thảo Quản lý Thuế và vai trò của Kiểm toán Nhà nước nhằm tìm giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm toán quản lý thuế tại Việt Nam.

 

Toàn cảnh Hội thảo.Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Tại Hội thảo, ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) đánh giá, trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi công tác quản lý thuế theo hướng hiện đại, hiệu lực, dựa trên phương pháp quản lý rủi ro, mở rộng thực hiện thuế điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo dễ hiểu, dễ thực hiện, quy trình quản lý thuế có tính tự động, liên kết và tích hợp cao theo chuẩn mực quốc tế…

 

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực thi pháp luật về thuế vẫn còn một số vấn đề tồn tại, số tiền thuế thất thu còn lớn mà nguyên nhân chủ yếu là từ tình trạng trốn thuế, gian lận thuế. Những hành vi trốn thuế, gian lận thuế ngày càng diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Ông Đoàn Xuân Tiên khẳng định, kiểm toán công tác quản lý thuế đã được xác định là một trong những nội dung quan trọng trong các cuộc kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
 

Kết quả kiểm toán cho thấy mức độ vi phạm pháp luật thuế còn cao, diễn ra ở hầu hết các địa phương và các loại hình doanh nghiệp và các sắc thuế; công tác thanh, kiểm tra thuế còn bỏ sót nhiều sai phạm của doanh nghiệp như: Áp dụng không đúng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT), kê khai ưu đãi và miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thực hiện miễn giảm thuế sai quy định, áp đơn giá đất để tính tiền sử dụng đất chưa đúng; nhiều đơn vị chưa kê khai hoặc kê khai không đầy đủ các khoản thuế từ hoạt động kinh doanh; chất lượng công tác thanh, kiểm tra còn vấn đề, còn bỏ sót một số sai phạm của doanh nghiệp…

 

Phó Tổng KTNN cũng thẳng thắn cho rằng, bên cạnh kết quả đã đạt được, kiểm toán công tác quản lý thuế trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập.

 

Cụ thể, hiện này kiểm toán mới tập trung vào phát hiện sai phạm người nộp, chứ chưa đánh giá hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động tổ chức thu thuế của cơ quan quản lý thu, phát hiện bất cập trong  công tác quản lý, chất lượng các văn bản pháp quy về thuế…

 

Việc kiểm toán chủ yếu qua các báo cáo tài chính tại doanh nghiệp nhà nước, còn các thành phần kinh tế khác chưa hiệu quả.

 

Các loại hình kinh doanh ngày càng phức tạp, đòi hỏi công tác kiểm toán phải liên tục cập nhật tránh tụt  hậu so với yêu cầu.

 

Có cùng quan điểm, bà Belinda Young, thành viên Diễn đàn Thuế toàn cầu ACCA, Chủ tịch Nhóm công tác thuế ACCA Singapore, Tổng giám đốc Tập đoàn Centrecourt Singapore cho rằng, trong môi trường kinh doanh toàn cầu và thay đổi không ngừng của công nghệ như sự phát triển của công nghệ đồng tiền ảo và mã hóa, các mô hình kinh doanh mới đã xóa mờ sự khác biệt giữa các hình thức truyền thống và thách thức những đặc điểm cơ bản của việc xác định nghĩa vụ thuế.

 

“Việc học hỏi kinh nghiệm và phối hợp trong nước (giữa cơ quan quản lý thuế, kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước, các hiệp hội nghề nghiệp, đối tượng liên quan) cũng như ngoài nước để đảm bảo hệ thống thuế dần đáp ứng được những thay đổi của hình thái kinh doanh, xác định được bản chất thực của hoạt động kinh tế khi xác định nghĩa vụ thuế là vô cùng quan trọng”, bà Belinda Young nói.

Về thực trạng công tác quản lý thuế, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế cho rằng, ngành thuế được Chính phủ đánh giá là một trong những cơ quan quản lý nhà nước đứng đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu về triển khai Chính phủ điện tử.
 

Hiện đại hóa công tác quản lý thuế từ quản lý mã số thuế, kê khai điện tử, hoàn thuế điện tử và triển khai hóa đơn, giao dịch điện tử. Số lượng doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử với cơ quan thuế đạt trên 98%, tỷ lệ doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với 50 ngân hàng thương mại là 97%.

 

Tuy nhiên, hiện tượng thất thu thuế vẫn còn tương đối phổ biến, đối với một số khu vực, lĩnh vực mà đặc biệt là việc chuyển dịch lợi nhuận của các đơn vị có quan hệ giao dịch liên kết; thuế khoán trên doanh thu của hộ cá nhân kinh doanh, thuế đối với thương mại điện tử, trò chơi điện tử…

 

Việc hàng năm cơ quan thuế thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra người nộp thuế, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán tại các doanh nghiệp hay thông qua kiểm toán tại cơ quan thuế đã truy thu hàng chục nghìn đồng tiền thuế cũng đã phần nào minh chứng cho công tác quản lý thuế chưa chặt chẽ.

 

Bên cạnh đó, việc thất thu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh dẫn đến sự thiếu bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh. Không khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Gian lận ngày càng tinh vi, cần tăng cường tính chuyên sâu
 

Về giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán thuế trong thời gian tới, ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng,  kiểm toán thuế cần sử dụng có hiệu quả các phương pháp kiểm toán, xem xét sự vận động và sự tác động qua lại của các yếu tố liên quan từng sắc thuế.

 

Việc thu thập và xem xét chứng từ, tài liệu kế toán là cần thiết, nhưng rất cần các phương pháp quan sát, đối chiếu, phân tích và xác định các mối liên hệ hữu cơ của các nghiệp vụ kinh tế. Ông Đặng Văn Thanh dẫn ví dụ như khi kiểm toán thuế nhập khẩu hàng hóa, không chỉ dựa giá cả hàng hóa ghi trên hóa đơn, vận đơn mà đủ, cần có những xác minh cần thiết nguồn gốc, quy cách mẫu mã thực của hàng hóa, trị giá hàng hóa chịu thuế có thể chấp nhận và mã thuế áp cho từng loại hàng hóa nhập khẩu. Khi kiểm toán thuế thu nhập doanh nghiệp cũng vậy, không chỉ thuần túy xem xét đánh giá thu nhập (hoặc lợi nhuận) chịu thuế mà quan trọng hơn là xác định đầy đủ doanh thu bán hàng, các khoản thu nhập của doanh nghiệp, các khoản chi phí hợp lý và đầy đủ các chứng minh cần thiết về chi phí bằng văn bản.

 

Cần phân tích, đánh giá các rủi ro nằm ngay trong từng sắc thuế và chúng hoàn toàn không giống nhau, như rủi ro trong thuế gián thu hoàn toàn khác với rủi ro của thuế trực thu. Cần đánh giá khả năng xảy ra gian lận và sai sót, đặc biệt là các gian lận trong đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế (loại hình kinh doanh, mặt hàng chịu thuế, doanh thu, thu nhập chịu thuế, giá tính thuế, chi phí được tính trừ vào thu nhập chịu thuế...).

 

“Việc phát hiện các gian lận trong kiểm toán thuế không dễ dàng, bởi vì đây là những hành vi cố ý, thường là có chủ định rất rõ rệt và bằng những thủ đoạn nghiệp vụ rất tinh vi như hợp thức hóa các khoản chi phí không có thật, thông đồng giấu diếm doanh thu, thu nhập ngay trên hóa đơn chứng từ, hoặc không lập hóa đơn bán hàng hoặc lập hóa đơn bán hàng khống, cố ý kê khai hàng hóa nhập khẩu không đúng quy cách", ông Đặng Văn Thanh lưu ý.

 

Còn đại diện Vụ Tổng hợp (KTNN) cho rằng, cần đổi mới cách thức tổ chức kiểm toán thuế, thành lập đoàn kiểm toán độc lập theo chuyên đề, phạm vi toàn ngành, hạn chế lồng ghép.

 

Cần kiểm toán chuyên đề chuyên sâu đối với từng sắc thuế có tỷ trọng thu lớn như: thuế GTGT, thuế TNDN, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu... nhằm đánh giá chuyên sâu theo từng sắc thuế, tránh nợ đọng, gian lận, chống thất thu thuế…

 

Cần đổi mới và đa dạng hoá phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán, kịp thời tham khảo ý kiến của các cơ quan quản lý, xây dựng chính sách nhằm đảm bảo tính khách quan, đồng thời hướng tới áp dụng phương pháp kiểm toán thuế theo phương pháp quản lý rủi ro.

 

“Hiện, KTNN mới đang thiên về kiểm toán tuân thủ trong lĩnh vực kiểm toán thuế, KTNN cần triển khai một cách đồng bộ thực hiện đầy đủ cả ba loại hình kiểm toán, trong đó tập trung phát triển kiểm toán hoạt động để đánh giá hiệu quả công tác quản lý thuế, hiệu quả các chính sách thuế”, đại diện KTNN nhấn mạnh.

Huy Thắng
501 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 627
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 627
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78133930