NÂNG CAO Ý THỨC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỞNG BIỂN THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 36-NQ/TW CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG 

Quảng Trị là một tỉnh ven biển thuộc khu vực Bắc Trung Bộ với bờ biển dài 75km, trong đó, có nhiều bãi biển đẹp thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng với ngư trường khoảng 8.400 km2 với nhiều loại hải sản qúy hiếm, có giá trị kinh tế cao; hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho việc xây dựng cảng biển quy mô lớn, với hệ sinh thái đa dạng, nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển. Quảng Trị có 04 huyện đất liền ven biển là huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng với tổng số 14 xã và 2 thị trấn. Ngoài ra còn có huyện đảo Cồn Cỏ nằm cách bờ 28km.. Bảo vệ môi trường biển và phát huy tiềm năng về tài nguyên biển, đảo và vùng ven biển tỉnh Quảng Trị không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

Quảng Trị không chỉ là vùng đất lửa trong chiến tranh mà còn được biết đến với nhiều bãi biển đẹp thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản, du lịch biển cũng đã hoạt động trở lại và ngày càng nhộn nhịp. Lượng khách đến các bãi tắm vui chơi, nghỉ dưỡng ngày càng đông; đặc biệt là vào mùa hè hoặc các kỳ nghỉ lễ, tại các bãi tắm Cửa Tùng, Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh); Cửa Việt, Gio Hải (huyện Gio Linh); Gia Đẳng (huyện Triệu Phong); Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng) và ngoài đảo Cồn Cỏ, lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng rất đông đúc. Để phục vụ cho nhu cầu của khách, các nhà hàng, dịch vụ phục vụ du lịch biển tại các bãi biển được xây dựng mới hoặc đầu tư nâng cấp và hoạt động nhộn nhịp. Để đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, bảo đảm phát triển bền vững kinh tế biển, ngày 22 tháng 10 năm 2018, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là cơ sở chính trị rất quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác tiềm năng từ biển để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch biển đối với các tỉnh có biển trong cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng. Nghị quyết này cũng đặt ra yêu cầu đối với người dân Quảng Trị là làm sao vừa khai thác tiềm năng, lợi thế biển vừa bảo vệ biển, đặc biệt là bảo vệ môi trường biển. Hiện nay, bên cạnh những cơ hội lớn để vươn ra biển, phát triển từ biển, tỉnh Quảng Trị đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Bởi thực tế là tình trạng xả rác thải bừa bãi của cộng đồng dân cư ven biển và của du khách tại các bãi tắm, nhất là vào các kỳ nghỉ lễ đang ở mức đáng báo động. Những năm qua, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở Quảng Trị từ tỉnh đến cơ sở có nhiều biện pháp để bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là kiểm soát, khắc phục tình trạng xả rác thải ra biển không đúng quy định, nhất là rác thải sinh hoạt. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý và kiểm soát các hoạt động ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. Bên cạnh đó, Sở cũng đã phối hợp với phòng tài nguyên và môi trường các huyện ven biển tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát các nguồn thải ven biển và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển. Ngành văn hóa - thông tin cũng đã tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng ven biển về tác hại của rác thải đối với đời sống con người nói chung và đối với biển nói riêng. Hằng năm, Tỉnh đoàn Quảng Trị, các đoàn viên, thanh niên Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với đoàn viên, thanh niên các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức nhiều chương trình như “Hãy làm sạch biển”, “Tuổi trẻ chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”, “Chủ nhật xanh làm sạch biển” với rất nhiều hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường biển như: thu gom, tiêu hủy rác thải; trồng các loại cây chắn gió tại khu vực ven biển; tuyên truyền, vận động người dân các xã ven biển thu gom rác thải,v.v… Các hoạt động đó đã mang lại những kết quả tích cực, một mặt tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng; mặt khác đã tác động đến ý thức của người dân ven biển và khách du lịch về vai trò của biển đối với đời sống con người. Từ đó, giúp thay đổi thói quen xấu của người dân trong việc thải rác ra môi trường biển. Từ bao đời nay, người dân vùng biển Quảng Trị sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản, sản xuất nông nghiệp và làm du lịch. Với hơn 8.008 hộ dân của 16 xã, thị trấn vùng biển nên mỗi ngày, nguồn thải sinh hoạt ra vùng biển ven bờ là rất lớn. So với trước đây, người dân vùng biển cũng đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường biển. Tuy nhiên, do đời sống kinh tế còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường biển đảo chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục cộng với hệ thống thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt còn quá ít và chưa đồng bộ nên nhiều hộ dân cứ vô tư xả các chất thải sinh hoạt ra biển. Do có nhiều bãi biển nên lượng ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản tương đối đông. Hoạt động đánh bắt hải sản ven bờ của ngư dân diễn ra tấp nập, nhộn nhịp mỗi ngày. Ngư dân ở Quảng Trị đa số còn nghèo, thu nhập thấp nên mỗi chuyến ra khơi, dường như mối quan tâm lớn nhất của cả ngư dân lẫn chính quyền địa phương là sản lượng đánh bắt nên chỉ tìm cách để có được thật nhiều hải sản mà chưa chú ý đến khía cạnh khai thác mang tính bền vững, vì vậy, nguồn lợi từ biển bị khai thác quá mức dẫn đến nguy cơ cạn kiệt. Với lợi thế có bờ biển dài hơn 75km, bãi cát rộng, vùng bãi ngang ven biển và hai vùng cửa sông lớn là Cửa Tùng và Cửa Việt có nguồn nước mặn và lợ phù hợp để nuôi trồng thủy sản, tỉnh Quảng Trị đã xác định nuôi trồng thủy sản là một trong những tiềm năng, lợi thế cần khai thác để tạo sinh kế bền vững cho bà con vùng biển. Theo Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, năm 2019, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 3.343,5 ha; sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 8.395 tấn. Các hoạt động nuôi trồng thủy sản ven biển đang phát triển ngày càng mạnh nên cùng với đó nguồn thải từ thức ăn, thuốc và các loại hóa chất mà người dân sử dụng trong quá trình nuôi trồng thủy sản xả thải ra biển cũng làm cho biển bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tại các bãi biển, nhất là vào mùa hè hoặc các dịp nghỉ lễ, cùng với lượng du khách về biển ngày càng đông thì rác thải cũng ngày càng ngập ngụa. Mặc dù, Ban Quản lý các bãi tắm đã tăng cường nhân viên vệ sinh môi trường, các chiến dịch phát động ra quân dọn rác được tiến hành khá thường xuyên nhưng cũng không thể xử lý một cách triệt để tình trạng vứt thức ăn, đồ uống thừa ngổn ngang, bừa bãi trên các bãi tắm. Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” khẳng định: “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam... Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, Giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hoá biển đi đôi với xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở công bằng, bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật”. Để Nghị quyết 36 -NQ/TW đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các tầng lớp nhân dân ở tỉnh Quảng Trị về vị trí, vai trò chiến lược của biển, đảo, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong giai đoạn mới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho người dân Quảng Trị về biển, đảo, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Trước hết, cần nâng cao nhận thức về biển cho người dân các xã ven biển. Thực tế, người dân ven biển còn thờ ơ và hầu như họ có rất ít kiến thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ biển đảo, về những tác hại do ô nhiễm môi trường biển. Trong sinh hoạt hàng ngày họ có những hành vi gây ô nhiễm mà trong nhiều trường hợp họ không hề biết. Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho người dân về Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh, về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, về bảo vệ môi trường biển bằng nhiều hình thức khác nhau để thay đổi nhận thức, thói quen xấu, khi đó họ mới chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động làm sạch biển, hình thành ý thức, lối sống, hành vi xử sự văn hoá gắn bó, thân thiện với biển. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cần tập trung tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân nói chung và cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh nói riêng về đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; về ý nghĩa và tầm quan trọng của biển đảo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với việc bảo vệ môi trường biển, đảo, đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến để đưa Nghị quyết 36 -NQ/ TW vào cuộc sống. Tại các bãi tắm, nhân viên bãi tắm và chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải trở thành các tuyên truyền viên tích cực để hướng dẫn, vận động người dân, du khách giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường biển.

Hai là, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong công tác bảo vệ môi trường biển theo Quyết định số 23/2013/ QĐ-TTg ban hành Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Trước hết, cần phối hợp để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức. Sở tư pháp, phòng tư pháp các huyện có biển cần tăng cường phối hợp với UBND các xã, thị trấn ven biển và ban cán sự các thôn, ban quản lý bãi tắm để tuyên truyền các văn bản pháp luật về tài nguyên môi trường nói chung và bảo vệ môi trường biển nói riêng. Thực tế cho thấy, các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển rất đa dạng, do nhiều chủ thể khác nhau thực hiện. Vì vậy, để có thể kiểm soát, hạn chế, đẩy lùi các hành vi đó cần phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong quản lý nhà nước về biển, đảo trong tình hình mới.

 Ba là, thực hiện tốt hơn nữa hoạt động thu gom và xử lý rác thải. Hiện nay, tại các địa phương vùng biển Quảng Trị, mỗi tuần đều có các đội xe thu gom rác của Trung tâm Môi trường đô thị huyện về thu gom rác thải để mang đi xử lý theo quy định. Tuy nhiên, các trục đường từ xã, thị trấn về bãi biển và dọc bãi biển vẫn còn tình trạng xả rác bữa bãi, một trong những nguyên nhân là do không có hoặc thiếu các thùng đựng rác. Vì vậy, để người dân và du khách bỏ rác đúng nơi quy định, cần đầu tư lắp đặt nhiều hơn các thùng đựng rác, đặc biệt là dọc các bãi biển. UBND các xã, thị trấn ven biển, ban cán sự các thôn và ban quản lý bãi tắm cần tổ chức cho các hộ dân và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ký cam kết không xả rác ra biển và thường xuyên tổng dọn vệ sinh đồng thời phải có chế tài phù hợp để xử lý các trường hợp vi phạm. Trong các cuộc họp chi bộ, họp thôn, cần tuyên dương những hộ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh làm tốt công tác vệ sinh môi trường biển; nhắc nhở các trường hợp thiếu ý thức giữ vệ sinh chung trong sinh hoạt hoặc kinh doanh.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ ven biển có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật về đánh bắt, nuôi trồng và kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, bộ đội Biên phòng tỉnh cùng với với các địa phương ven biển tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường biển, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật khi đánh bắt hải sản.

Biển giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Quá trình khai thác và phát huy các giá trị biển đảo sẽ góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và đổi mới của đất nước nói chung và từng địa phương có biển nói riêng. Phát triển và bảo vệ môi trường biển là một nội dung vô cùng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường đã được khẳng định trong Nghị quyết số 09 - NQ/ TW về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và tiếp tục được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết số 36-NQ/TW là nền tảng cho việc phát triển kinh tế biển, quản lý biển, hải đảo của nước ta trong giai đoạn tới với những khâu đột phá hết sức quan trọng và các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính chiến lược vừa mang tính cụ thể để đạt được các mục tiêu đề ra. Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp khả thi giảm thiểu và ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường biển để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững biển và hải đảo của cả nước nói chung và ở tỉnh Quảng Trị nói riêng. Hải Nam

 

1978 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 745
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 745
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77532220