Ngày 30/7, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo Bảo tồn các loài hoang dã và du lịch có trách nhiệm. Hội thảo do Tổng cục Du lịch phối hợp cùng Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Mạng lưới giám sát thương mại động vật hoang dã (TRAFFIC) tổ chức.

Hội thảo này nhằm để các bên liên quan hiểu hơn về vai trò của mình trong việc bảo vệ, bảo tồn các loài hoang dã; nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong hoạt động du lịch về nguy cơ tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã do buôn bán trái phép, đồng thời cùng nhau thảo luận để đưa ra các giải pháp cũng như hành động cụ thể.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về các vấn đề: Các cơ quan quản lý nhà nước tham gia và hỗ trợ cộng đồng du lịch như thế nào để xóa bỏ nạn buôn bán động vật hoang dã và giảm thiểu các hoạt động du lịch động vật hoang dã; Những rủi do hoạt động buôn bán động vật hoang dã đối với du lịch Việt Nam và làm thế nào để giảm thiểu rủi ro; Những sáng kiến nào để đảm bảo ngành du lịch Việt Nam đóng góp vào giảm thiểu hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Toàn cảnh hội thảo (Nguồn: Tạp chí Du lịch)

Theo các ý kiến tại hội thảo, trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến yêu thích của đông đảo du khách quốc tế. Năm 2018, Việt Nam đã đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2019, Việt Nam đạt mục tiêu đón 17,5 – 18 triệu lượt khách quốc tế. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới. Đối với ngành du lịch, du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên luôn được xác định là một trong những sản phẩm du lịch chính, được ưu tiên phát triển trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam. Mỗi năm, hoạt động du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng đã thu hút hơn 2 triệu lượt khách du lịch, với doanh thu trên 100 tỷ đồng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế địa phương và hỗ trợ hoạt động bảo tồn thiên nhiên. Tuy nhiên, ở Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã để làm thức ăn, thuốc chữa bệnh, làm các trang sức và phục vụ các mục đích khác ngày càng cao, là một trong những mối đe dọa lớn đến bảo tồn đa dang sinh học tại Việt Nam và khu vực.

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, để làm tốt công tác bảo tồn động vật hoang dã, những người làm du lịch cần ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình trong việc bảo tồn động vật hoang dã, bảo tồn sự đa dạng sinh học cũng như tuyên truyền đến du khách về vấn đề này. Để góp phần giảm thiểu buôn bán trái phép động vật hoang dã, các doanh nghiệp du lịch cần có cam kết thực hiện việc du lịch động vật hoang dã (wildlife tourism) có trách nhiệm, không mua bán và sử dụng các sản phẩm bắt nguồn từ động vật hoang dã; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đến người dân và khách du lịch không tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã, định hướng tới người dân những sản phẩm được buôn bán bền vững; Khuyến khích người dân tham gia vào việc bảo vệ các giống loài hoang dã nguy cấp; Thúc đẩy các hoạt động bảo tồn môi trường sống cho các giống loài hoang dã.

Ngành du lịch đang hướng đến các hoạt động du lịch có trách nhiệm, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, đồng thời khuyến khích các cá nhân và tổ chức trong ngành du lịch tích cực tham gia bảo vệ các loài hoang dã của Việt Nam và trên thế giới. Hội thảo “Bảo vệ động vật hoang dã và du lịch có trách nhiệm” là một diễn đàn hữu ích để các bên liên quan chia sẻ, đóng góp sáng kiến chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã thông qua hoạt động du lịch có trách nhiệm; khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong ngành Du lịch trở thành đại sứ thiện chí bảo vệ các loài hoang dã; truyền tải thông điệp kêu gọi các doanh nghiệp du lịch, các hiệp hội du lịch nỗ lực hơn nữa trong xúc tiến và phát triển du lịch có trách nhiệm.

Kết quả của hội thảo sẽ trở thành thông điệp để cộng đồng, khách du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan nhà nước, tổ chức, hiệp hội, truyền thông chung tay hành động trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các giá trị tự nhiên, phát triển du lịch có trách nhiệm, đem đến lợi ích cho chính chúng ta và các thế hệ tương lai./.

HN