|
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo |
Công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí giữ vai trò quan trọng
Tại Hội thảo "Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí" mới đây do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, các đại biểu đã khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí đã luôn đồng hành với sự nghiệp cách mạng và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hình ảnh và vị thế Việt Nam. Để tăng cường sự lãnh đạo và tạo điều kiện để báo chí phát triển, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí, trong đó xác định công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí giữ vai trò quan trọng. Thực tiễn đã cho thấy, cơ quan báo chí nào có tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh thì sẽ hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và đoàn thể nhân dân vững mạnh.
Bên cạnh những đóng góp tích cực, ưu điểm, báo chí nước ta thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế: Một số báo thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, chưa phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, chưa đúng định hướng thông tin của cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí – xuất bản, gây tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Một số chạy theo lợi nhuận, “thương mại hóa” đơn thuần, thậm chí có khi hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích. Một số tờ báo chưa làm tốt chức năng tư tưởng-văn hóa và nhiệm vụ chính trị-tư tưởng của báo chí cách mạng, chạy theo thị hiếu tầm thường, thông tin nặng về những mặt tiêu cực, khuyết điểm, mặt trái của xã hội, chưa chú trọng thông tin những mặt tích cực, người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều báo chưa quan tâm đến việc đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch, chưa tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và khẳng định tính ưu việt của chế độ XHCN… Một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí tại các địa phương và đội ngũ cộng tác viên hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích, thậm chí có một số trường hợp lợi dụng danh nghĩa nhà báo và cơ quan báo chí dọa dẫm, sách nhiễu, thậm chí tống tiền cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để trục lợi. Một số cán bộ, phóng viên thiếu rèn luyện về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có trường hợp còn tiếp tay cho những hành động tiêu cực hoặc trực tiếp vi phạm pháp luật...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân do công tác xây dựng đảng chưa được quan tâm đúng mức, nhiều nơi chưa đạt yêu cầu. Ở một số cơ quan báo chí (CQBC), tổ chức Đảng không có hoặc có nhưng hoạt động mờ nhạt, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo còn nhiều hạn chế. Một số đảng viên trong CQBC chưa phát huy vai trò tiền phong gương mẫu, tính chiến đấu giảm sút. Do vậy, ngoài việc tăng cường sự quản lý nhà nước về báo chí, vấn đề có tính cấp bách đặt ra là nâng cao hiệu quả lãnh đạo của tổ chức Đảng trong CQBC; cần tăng cường công tác xây dựng đảng, củng cố, nâng cao vai trò của các tổ chức Đảng, đảng viên trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của từng CQBC.
Quy định 165-QĐ/TW ngày 21/4/2006 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong cơ quan báo chí nêu rõ: “Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong cơ quan báo chí là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, biên tập viên, phóng viên và những người lao động khác trong cơ quan thực hiện đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tôn chỉ, mục đích của báo, đài, tạp chí; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan, xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng, rèn luyện đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức trong sáng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Đề cao trách nhiệm đảng viên của người làm báo
Từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, trong những năm qua, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực phát huy vai trò của mình trong công tác quản lý nhà nước về báo chí theo đúng định hướng và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Bộ đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch đề nghị các cơ quan chủ quản báo chí và trực tiếp chỉ đạo các cơ quan báo chí, đề cao vai trò của người đứng đầu CQBC thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về hoạt động báo chí; có kế hoạch tổ chức các khoá đào tạo nghiệp vụ báo chí cho lãnh đạo đương nhiệm và đội ngũ kế cận lãnh đạo CQBC, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý và hoạt động báo chí... Đối với một số vấn đề đặt ra trong lĩnh vực báo chí hiện nay, khi một số CQBC vẫn tìm cách “lách rào” để phát triển ra ngoài khuôn khổ, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước cần áp dụng những biện pháp “khép rào”. Những công cụ theo dõi bằng rà soát, quét điện tử, lưu các bài viết, đánh giá phân loại những bài viết xa rời tôn chỉ, mục đích, tổng hợp số lượng, đưa vào danh sách các cơ quan báo chí thường xuyên “lách rào” để nhắc nhở, tổ chức họp riêng với người đứng đầu cơ quan báo chí, đánh giá nhận thức của lãnh đạo cơ quan báo chí. Nếu tiếp tục vẫn xảy ra sai phạm ngoài hình thức xử phạt vi phạm hành chính (nếu có), sẽ tiếp tục mời cơ quan chủ quản họp để phối hợp có biện pháp cứng rắn và quyết liệt với cơ quan báo chí. Các biện pháp trên đã triển khai không có hiệu quả có thể tiến tới đình chỉ giấy phép, rút giấy phép và có thể không xem xét cấp giấy phép cho các cơ quan chủ quản không quản lý được các cơ quan báo chí thuộc thẩm quyền của mình.
|
Hình ảnh tại Hội thảo |
Là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng trong các CQBC, các cấp Hội Nhà báo từ Trung ương đến cơ sở. Trong đó, việc tăng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất cách mạng, đạo đức nghề nghiệp. Nhằm tăng tăng cường thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, từng bước hạn chế, đẩy lùi những tiêu cực trong hoạt động báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam đã tập trung triển khai học tập, quán triệt Luật Báo chí và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; tăng cường rà soát, kiện toàn tổ chức Hội và đội ngũ người làm báo, thắt chặt nền nếp, kỷ cương sinh hoạt Hội; nâng cao vai trò chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam; thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam ở Trung ương và các cấp hội địa phương… Chỉ tính riêng năm 2018 và 10 tháng đầu năm 2019, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo ở Trung ương đã xử lý thu hồi thẻ hội viên đối với 15 trường hợp vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Trước một số vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo khi tham gia mạng xã hội, và từ yêu cầu trực tiếp, cụ thể đối với đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, cuối năm 2018, Hội Nhà báo Việt Nam đã ký ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Theo đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa diễn ra ngày càng phức tạp, gay gắt cộng với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình truyền thông trên internet đã đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động báo chí để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của công tác thông tin, tuyên truyền trong tình hình mới. Để thực hiện tốt vai trò là vũ khí sắc bén trong công tác tư tưởng, phát huy vai trò trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, do vậy, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng trong cơ quan báo chí nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng, nhất là những vấn đề mới, phát sinh từ thực tiễn để đề xuất nội dung, giải pháp tăng cường công tác xây dựng Đảng. Từng cấp ủy, tổ chức đảng thật sự “Coi trọng, chăm lo công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí. Đề cao trách nhiệm đảng viên của người làm báo, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên ở các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí về thi hành Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động báo chí”.
Hơn bao giờ hết, việc xây dựng Đảng về đạo đức trong các cơ quan báo chí cần được quan tâm thực hiện; cán bộ, đảng viên trong các cơ quan báo chí không chỉ chấp hành đúng các quy định của nhà nước trong lĩnh vực báo chí, mà hơn thế nữa, chính là phát huy chuẩn mực đạo đức của người làm báo chí cách mạng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị làm nền tảng để phát huy văn hóa báo chí cách mạng, thích ứng với xu hướng báo chí đa phương tiện, sử dụng "trí tuệ nhân tạo" và cung cấp định hướng nội dung trong “thế giới phẳng”; vững vàng vượt qua thách thức của truyền thông xã hội; đủ bản lĩnh và năng lực đấu tranh với các luận điệu chống phá của thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng./.
Hiền Hòa