Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng ngày 6/11. (Ảnh: Bích Liên)

Cụ thể theo Bộ trưởng, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, hiện đại hoá theo hướng đồng bộ. Sau hơn 9 năm, cả nước đã xây dựng mới và nâng cấp được trên 206.743 km đường giao thông, nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa lên 68,7%; có trên 97% số xã có đường giao thông từ trụ sở xã đến UBND huyện được cứng hóa; gần 80% số xã đã trải nhựa, bê tông đường ngõ xóm.

Bên cạnh đó, kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị. Công nghiệp, dịch vụ nông thôn đã và đang trở thành giải pháp quan trọng tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn (tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm từ 49,5% năm 2010 xuống còn 37,7% năm 2018). Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn năm 2018 đạt khoảng 35,88 triệu đồng, tăng 2,78 lần so với năm 2010; khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị giảm từ 2,1 lần năm 2010 xuống còn 1,8 lần năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm còn 6,5%.

Ngoài ra, kết quả nổi bật của chương trình nữa là đã nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả đã tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời, đã hình thành được một số mô hình du lịch làng xã, thôn bản, kết hợp hài hoà giữa giá trị văn hoá, du lịch và kinh tế. Văn hoá đang từng bước trở thành nhân tố tích cực, là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế- xã hội của nhiều miền quê trên cả nước. Hệ thống chính trị ở cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn.

Nhiều tổ chức cơ sở Đảng ở nông thôn đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc khu vực nông thôn được đẩy mạnh, có bước phát triển mới, khơi dậy sức mạnh của nhân dân và cộng đồng trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội. Nhiều địa phương đã xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở theo hướng “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hoà giải” để phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, bảo vệ tài sản, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và bình yên ở nông thôn.

Tại phiên chất vấn, đa số đại biểu tán thành với những kết quả nổi bật đạt được, tuy nhiên các đại biểu cho rằng sự chỉ đạo còn chưa đồng bộ, có lúc, có nơi cấp ủy, chính quyền chưa sát sao, chưa quyết liệt, chưa sát dân, chưa sát cơ sở, công tác dân vận chưa tốt; Chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng miền còn thể hiện rõ, cho thấy sự phân bổ nguồn lực, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động nguồn lực chưa phù hợp, hiệu quả. Mặt trái của kinh tế thị trường đã có những tác động không nhỏ đến đời sống của người dân nông thôn. An ninh trật tự nông thôn trong một số địa phương còn bất cập. Môi trường ngày càng là vấn đề bức xúc, rác thải không được xử lý, các nguồn nước bị ô nhiễm…

Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cho rằng, thời gian qua, việc thực hiện Chương trình NTM chủ yếu xây dựng các thiết chế, hạ tầng kinh tế-xã hội chưa thực sự có chuyển biến trong nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế về vấn đề môi trường và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng chỉ ra giải pháp để khắc phục những vấn đề về ô nhiễm môi trường?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, bên cạnh những thành quả đạt được rất toàn diện, bứt phá, vượt bậc thì vẫn còn những tồn tại của Chương trình NTM như: đời sống của người dân cũng chưa được nâng lên so với yêu cầu thực tế; thu gom, xử lý rác thải của một số xã chưa đạt chỉ tiêu; môi trường sản xuất cũng chưa được nâng cao, có tình trạng người dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp; hình thành sản xuất chuỗi chưa thành phổ biến.

Bộ trưởng chỉ rõ, vấn đề tới đây phải tháo nút thắt như nào, ứng dụng khoa học công nghệ như thế nào, liên kết thành hợp tác xã ra sao sẽ là các vấn đề cần quan tâm chỉ đạo.

Về vấn đề xây dựng NTM tại các vùng miền núi, hải đảo, vùng biên giới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây cũng là những vùng nút thắt khó khăn trong vấn đề xây dựng NTM từ chỉ đạo, nguồn lực, đến tổ chức xây dựng nông thôn mới. Riêng khu vực này đang là điểm đạt tỷ lệ kết quả Chương trình NTM rất yếu, nguồn lực nhà nước cũng chỉ có hơn 10%. Những nơi thuận lợi đã đạt được rồi thì bây giờ sẽ tập trung vào những vùng còn khó khăn. Nhưng giải pháp quan trọng nhất ở đây là bản thân người dân ở những nơi đây phải có ý thức tự vươn lên, ý thức thoát nghèo; đây mới là sức mạnh lâu bền, cốt lõi, đồng lòng cùng với sự chỉ đạo, quan tâm của Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra, về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, trong đó, chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng tham gia xây dựng nông thôn mới./.

Bích Liên