Nâng cao trách nhiệm của đảng viên là đại biểu Hội đồng nhân dân, bảo đảm thống nhất giữa ý Đảng và lòng Dân 

Hội đồng nhân dân là cơ quan đại biểu của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát việc triển khai thực hiện Hiến pháp và pháp luật ở địa phương.

Có thể nói, các nghị quyết cua cấp ủy về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật, nghị quyết của HĐND thì mới có thể đi vào cuộc sống, cho nên HDND là nơi đầu tiên, khâu quan trọng nhất để chuyển hóa nghị quyết của Đảng, tạo tính pháp lý cho nghị quyết của Đảng trong quá trình tổ chức thực hiện. Điêu đó đặt ra nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân, trong đó Đảng phải tăng cường, chú trọng đến công tác cán bộ được phân công làm nhiệm vụ đại biểu dân cử các cấp, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt với cán bộ là đại biểu HĐND chuyên trách để người đảng viên- đại biểu dân cử có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Chỉ thị 45-CT/TW, ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HDNĐ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026  nêu rõ: Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt kết quả cao, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, các tổ chức đảng lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Xuất phát từ các nguyên tắc, yêu cầu đó, đại biểu HĐND các cấp cần xác định trách nhiệm chính sau đây:

Thứ nhất, trách nhiệm trước Đảng mà mình là người đại diện được đề cử tham gia đại biểu HĐND và phải theo quy định tại Điều 2 của Điều lệ Đảng là đảng viên có nhiệm vụ: “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng”. Do vậy, đảng viên phải thực hiện biểu quyết, phát ngôn bảo đảm Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng. Nếu vi phạm sẽ bị kỷ luật phù hợp với mức độ vi phạm, thậm chí có thể bị khai trừ ra khỏi Đảng.

Thứ hai, trách nhiệm với cử tri đã bầu mình lên như quy định tại Điều 115 của Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp 2013 khẳng định vinh dự, trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND trước nhân dân và cử tri, theo đó: “Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở địa phương; phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động nhân dân thực hiện pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên nhân dân tham gia quản lý nhà nước. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng các cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu”. Đây là trách nhiệm sống còn đại biểu hội nhân dân.

Thứ ba, trách nhiệm hoàn thành tốt các nhiệm vụ của người đại biểu như quy định tại các điều 93, 94, 95 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019. Đó là đại biểu HĐND có trách nhiệm tham dự đầy đủ các kỳ họp, phiên họp HĐND, tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND. Đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri nơi mình thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri. Sau mỗi kỳ họp HĐND, đại biểu HĐND có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của HĐND, vận động và cùng với nhân dân thực hiện các nghị quyết đó. Đại biểu HĐND có trách nhiệm tiếp công dân theo qui định của pháp luật. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu HĐND có trách nhiệm báo nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết. Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đúng pháp luật, đại biểu HĐND có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại; khi cần thiết, đại biểu HĐND yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó giải quyết.

Tại nghị trường, việc thảo luận, tranh luận và phản biện là hết sức cần thiết, nhất là đối với quá trình quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát. Qua thảo luận, đường lối, nghị quyết của Đảng được chính quyền cụ thể hóa trình HĐND dưới dạng dự thảo nghị quyết, các cơ chế, chính sách địa phương sẽ được kiểm nghiệm, được phản biện bởi ý kiến của đại biểu HĐND. Song, với tư cách của đại biểu  - đảng viên, các ý kiến đó là sự phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân với Đảng có tổ chức nhất. Để tôn trọng những ý kiến khác nhau, trái chiều, cơ quan lãnh đạo của Đảng có thẩm quyền cần lắng nghe, thậm chí có thể thay đổi chủ trương đó cho phù hợp với ý kiến của đại đa số đại biểu. Song, Đảng cũng phải cương quyết đấu tranh, thậm chí xử lý kỷ luật nếu đảng viên cố tình làm trái nghị quyết của Đảng. Nếu một số đại biểu hoặc có đại biểu vẫn có quan điểm xa rời đường lối của Đảng thì tổ chức đảng phải cương quyết đấu tranh để đại biểu thấy rõ sự lệch lạc, sai lầm của mình; trường hợp xấu nhất là phải kỷ luật nghiêm minh. Cấp ủy đảng tại HĐND các cấp phải có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đảng viên trong phạm vi quản lý của mình tuân thủ Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Đó là yêu cầu bất di bất dịch; nếu sai phạm pháp luật thì bị xử lý theo pháp luật, nếu sai phạm cương lĩnh, đường lối, điều lệ của đảng thì bị kỷ luật đảng.

Như vậy, vai trò kép của đảng viên là đại biểu dân cử ở các cấp được thể hiện ở chỗ vai trò của người đại biểu nhân dân và vai trò của người đảng viên phải hòa quyện, gắn kết một cách hữu cơ và được đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng; thực tế đó luôn đúng trong cả lý luận và thực tiễn. Điều đó đặt ra yêu cầu phải tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với chính quyền các cấp; nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, vị trí của HĐND trong hệ thống chính trị, từ đó quan tâm chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu đảng viên ưu tú ứng cử đại biểu HĐND, nhất là các nhân sự chủ chốt của HĐND đòi hỏi phải chọn ra được đảng viên thật sự có đủ trình độ chuyên môn, năng lực, phẩm chất đạo đức cách mạng ưu tú, vượt trội để đảm đương được nhiệm vụ trong tình hình mới. Bố trí đủ số lượng, cơ cấu thành viên là Thường trực HĐND, các ban của HĐND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Chất lượng đại biểu là yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, do đó, việc lựa chọn đại biểu HĐND phải thật sự dân chủ, công khai, không quá nặng về cơ cấu mà cần coi trọng phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực, tâm huyết với hoạt động của HĐND, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Phải tạo cho cử tri có nhiều cơ hội lựa chọn được những đại biểu xứng đáng đại diện cho họ, thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu HĐND. Các cấp ủy đảng cũng cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo để HĐND ngày càng có điều kiện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, qua đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Cần phân định rõ chức năng lãnh đạo của Đảng với chức năng, nhiệm vụ của HĐND. Sự lãnh đạo của Đảng là tiên quyết song phải tôn trọng và phát huy vai trò, tính chất, nhiệm vụ của HĐND. Việc hiểu và tách bạch rõ mối quan hệ này vừa giúp cho các cấp ủy đảng đề ra chủ trương, đường lối sát đúng với vai trò, vị trí của mình; đồng thời HĐND các cấp cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng. Trong quá trình lãnh đạo, các cấp uỷ đảng cần có cơ chế để Thường trực HĐND, các ban của HĐND tham gia những vấn đề liên quan. Định kỳ hàng quý, Thường trực cấp uỷ cần có chế độ giao ban với Thường trực HĐND, UBND để bàn bạc, trao đổi các chủ trương, chính sách lớn của địa phương. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế, mối quan hệ làm việc giữa các cấp ủy đảng với HĐND và UBND các cấp. Hải Yến

 

 

1751 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1485
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1485
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87108947