|
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hống Hà phát biểu tại hội nghị.
(Ảnh: Khương Trung)
|
Ngày 28/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị đánh giá giữa kỳ Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (Dự án VILG).
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Trưởng ban Chỉ đạo cấp Quốc gia Dự án VILG nêu rõ: Dự án VILG được Chủ tịch nước phê duyệt Hiệp định tài trợ từ ngày 23/12/2016, có hiệu lực từ tháng 3/2017 với tổng kinh phí 180 triệu USD, thực hiện trong thời gian 5 năm (2017-2021). Theo Hiệp định đã ký kết, mục tiêu thực hiện Dự án là nâng cao hiệu suất và tính minh bạch của dịch vụ quản lý đất đai tại các tỉnh dự án thông qua việc phát triển và thực hiện Hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu quốc gia (MPILS).
Sau hơn 2 năm thực hiện, quá trình triển khai dự án còn nhiều vướng mắc, thời gian tới cần chỉ rõ các nguyên nhân khách quan ảnh hưởng tiến độ dự án như liên quan đến vấn đề nợ công, nợ tư…Về xây dựng phần mềm, Chính phủ sẽ chỉ định đơn vị xây dựng phần mềm, các địa phương cần tăng cường năng lực, đề xuất đầu tư về cơ sở dữ liệu để tái cấu trúc dự án. Các địa phương cần đồng bộ áp dụng, cập nhật bổ sung các cơ sở dữ liệu; những nơi chưa áp dụng cơ sở dữ liệu đất đai phải tiến hành bổ sung các hoạt động để đảm bảo phù hợp nhu cầu của từng địa phương.
Theo bà Kathrine Keim, đại diện WB tại Hà Nội, hiện dự án đang triển khai rất chậm trễ, mới chỉ giải ngân được 1%, do đó cần có giải pháp đưa dự án tiến triển, cụ thể cần xác định tầm quan trọng tái cơ cấu dự án; hoàn thành phê duyệt, gia hạn thời gian thực hiện; đồng thời trao đổi phương án để giải quyết vấn đề có tính khả thi nhằm giảm thiểu và quản lý các rủi ro một cách hiệu quả.
Trao đổi về rủi ro, thách thức và cơ hội thực hiện dự án, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai - Giám đốc Ban quản lý Dự án cấp Trung ương Chu An Trường cho rằng, kết quả thực hiện dự án đến nay đã xác nhận mức độ rủi ro đáng kể liên quan đến chính sách, thiết kế hệ thống, năng lực quản lý dự án, năng lực triển khai không đồng đều ở các địa phương. Nhận thức và hành vi không phù hợp của người sử dụng đất và cơ quan cung cấp dịch vụ thông tin đất đai là thách thức lớn nhất đối với hiệu quả của dự án.
Bên cạnh đó, nhà tài trợ còn đánh giá việc phát triển và triển khai hệ thống công nghệ thông tin của dự án ở mức rủi ro cao, đặc biệt là trong quá trình phát triển phần mềm cho MPILS và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Dự án sẽ có nhiều cơ hội trong việc liên kết; phối hợp với Chương trình đẩy mạnh cải cách hành chính và Chương trình phát triển Chính phủ điện tử làm tiền đề tăng cường trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các ngành; tận dụng các kinh nghiệm và bài học của các địa phương trong xây dựng và triển khai hệ thống thông tin đất đai liên thông giữa các cấp và các ngành.
Tại hội nghị các đại biểu cũng cho rằng, đây là cơ sở dữ liệu mới nên rất cần số liệu cập nhật, tiến độ thực hiện; đơn vị có đủ năng lực thực hiện…Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ có phương án khả thi để thực hiện dự án; đề nghị WB đồng thuận với các đề xuất thực hiện định hướng của dự án trong giai đoạn tới, rút ngắn thủ tục nhằm đẩy nhanh đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án đến năm 2021, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện các thủ tục đề xuất gia hạn dự án đến năm 2023.
Cùng với đó, đại diện các địa phương kiến nghị Ban Chỉ đạo cấp Quốc gia và các bộ, ngành như: Bộ Tài chính sớm ban hành các hướng dẫn rà soát nguồn vốn thực hiện dự án, hỗ trợ thủ tục rút vốn và tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong thủ tục vay lại; Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ dự án về các giải pháp công nghệ, giám sát an toàn thông tin, an ninh bảo mật, sử dụng mạng số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước.../.
Bích Liên