- Tính lãnh đạo: tính chất lãnh đạo của sinh hoạt chi bộ thể hiện trong sinh hoạt đảng viên phải bàn bạc, thảo luận một cách dân chủ những vấn đề cần giải quyết và ra được quyết nghị về những hoạt động của chi bộ. Thông qua sinh hoạt chi bộ, cấp ủy phải giúp cán bộ, đảng viên quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ thị, nghị quyết của cấp trên. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị phải định hướng được những hoạt động chủ yếu trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội, bảo đảm cho đơn vị phát triển được trong một thời gian nhất định cũng như thông qua đó để giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Thông qua đó phải chỉ rõ chủ trương, biện pháp xây dựng đảng bộ, chi bộ về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bảo đảm lãnh đạo đơn vị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Để đảm bảo tính lãnh đạo, trong sinh hoạt chi bộ cần thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc tập trung dân chủ, mở rộng dân chủ trong sinh hoạt Đảng phải đi liền với tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất.
- Tính giáo dục: Một trong những nhiệm vụ của chi bộ là quản lý, giáo dục và rèn luyện đảng viên. Bởi vậy, giáo dục đã trở thành một trong ba tính chất của sinh hoạt chi bộ. Tính giáo dục thể hiện qua mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, trình độ mọi mặt của đảng viên dần được nâng lên, ngày càng nhận thức sâu sắc hơn đường lối, chính sách của Đảng, mỗi đảng viên có thêm những kiến thức mới bổ ích, những kinh nghiệm thiết thực trong hoạt động thực tiễn. Qua mỗi kỳ sinh hoạt, người đảng viên tự nhận thấy vững vàng hơn trong công tác. Đó là điều kiện quan trọng để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Tính giáo dục của sinh hoạt chi bộ còn được thể hiện ở việc nêu gương điển hình tiên tiến, gương đảng viên tiên phong gương mẫu và phê bình những sai lầm khuyết điểm của chi bộ, tổ chức đảng và đảng viên. Nói cách khác, tính giáo dục trong sinh hoạt đảng đòi hỏi cấp ủy chi bộ phải tác động thường xuyên, liên tục đến tinh thần, tư tưởng cán bộ, đảng viên xây dựng lập trường chính trị kiên định; tinh thần độc lập dân tộc, không ngừng nêu cao bản lĩnh chính trị, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cảnh giác cách mạng. Để sinh hoạt chi bộ đảm bảo tính giáo dục, trong sinh hoạt cần chú trọng nghiên cứu, thảo luận nghiêm túc các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, trong sinh hoạt cần lưu ý đó là tránh lối sinh hoạt qua loa, đại khái hoặc chỉ giao nhiệm vụ nhưng không chú ý đến việc cung cấp thông tin, hạn chế việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của đảng viên.
- Tính chiến đấu: Cùng với tính chất lãnh đạo, giáo dục, sinh hoạt đảng phải thể hiện rõ tính chiến đấu. Tính chiến đấu thể hiện rõ trong sinh hoạt chi bộ phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng ưu điểm, thành tựu, phê phán nghiêm khắc những sai lầm, khuyết điểm của đảng uỷ, chi uỷ, của từng cán bộ, đảng viên đồng thời thông qua đó đề ra được biện pháp phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. Tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng chính là phải góp phần xây dựng cho đội ngũ đảng viên bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần cách mạng tiến công, lòng dũng cảm và quyết tâm vượt lên khó khăn, gian khổ và thách thức. Không hoang mang, dao động, nản chí, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; năng động, sáng tạo, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, tham ô, tham nhũng, lãng phí. Để nâng cao tính chiến đấu, trong sinh hoạt cần phát huy dân chủ nội bộ khi bàn bạc và quyết nghị mọi vấn đề thuộc phạm vi, quyền hạn của chi bộ, thực hiện nghiêm túc quyền của đảng viên. Bên cạnh đó hỏi bảo đảm thực hiện đúng các nguyên tắc về xây dựng Đảng như: Nguyên tắc tập trung dân chủ; chế độ tự phê bình và phê bình; phát huy dân chủ nội bộ, đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch. Đồng thời, khuyến khích cán bộ, đảng viên mạnh dạn phát hiện và đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực và những sai trái trong cơ quan, đơn vị và phải bảo vệ những đảng viên dám đấu tranh chống các sai trái, tiêu cực. Cần tránh tình trạng nể nang, né tránh, lựa chiều khi phê bình hoặc tình trạng đoàn kết một chiều. Cần xử lý kịp thời và nghiêm minh những người lợi dụng dân chủ tiến hành phê bình để đả kích, gây chia rẽ hoặc lợi dụng phê bình để trả thù cá nhân.
Thực tiễn trong sinh hoạt chi bộ đã chỉ rõ: ở nơi nào sinh hoạt chi bộ mang tính hình thức, xem nhẹ hoặc trong sinh hoạt không thể hiện rõ nội dung chính trị, tư tưởng cụ thể, thiết thực thì nơi đó, lúc đó có nguy cơ chệch đường lối, chính sách của Đảng, hạ thấp vai trò tiên phong của đảng viên, làm cho kỷ luật của Đảng lỏng lẻo, các biểu hiện tiêu cực nảy sinh, sự gắn bó giữa Đảng với quần chúng bị suy yếu. Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” đã có nhận xét: Nhiều cấp ủy, chi bộ chưa thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt đảng; tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu; tinh thần tự phê bình và phê bình, ý thức tổ chức kỷ luật yếu kém. Chính vì thế mà Chỉ thị của Ban Bí thư đã đặt ra yêu cầu “sinh hoạt chi bộ phải thực hiện đúng nguyên tắc về tổ chức và sinh hoạt đảng, đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu”.
Ba tính chất lãnh đạo, giáo dục và chiến đấu tuy mỗi tính chất có yêu cầu, nội dung riêng nhưng có mối liên hệ biện chứng và tác động qua lại lẫn nhau, tạo nên bản chất riêng có của sinh hoạt đảng nói chung và sinh hoạt chi bộ nói riêng. Bởi vậy, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện đúng 3 tính chất lãnh đạo, giáo dục và chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về “nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 6/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về “một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chi ủy, bí thư chi bộ, đảng viên trong chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà trước hết là Nghị quyết của chi bộ và của cấp ủy cấp trên. Thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”, Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Duy trì thường xuyên, nền nếp chế độ sinh hoạt hằng tháng; thực hiện đúng các nguyên tắc sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.
Thứ hai, chi ủy phải chuẩn bị tốt và thường xuyên đổi mới nội dung sinh hoạt bảo đảm đúng quy định, hướng dẫn của cấp trên, phù hợp với tình hình, đặc điểm của chi bộ; nâng cao hiệu quả lãnh đạo thực hiện nghị quyết của chi bộ. Mỗi đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và bí thư chi bộ phải nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu trong sinh hoạt chi bộ, giữ gìn đoàn kết thống nhất, tình yêu thương đồng chí, tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong các buổi sinh hoạt và thực hiện tốt nhiệm vụ được chi bộ phân công. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho chi ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ về nghiệp vụ công tác đảng, trong đó cần chú ý bồi dưỡng nghiệp vụ, năng lực điều hành sinh hoạt chi bộ. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường tổ chức sinh hoạt chi bộ mẫu theo từng loại hình chi bộ; chỉ đạo thống nhất thời điểm tổ chức sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng cho phù hợp, đảm bảo lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của chi bộ được đồng bộ, thống nhất với nhiệm vụ của cấp ủy cấp trên, của cơ quan, đơn vị theo từng thời điểm.
Thứ ba, thường xuyên nắm tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nghị quyết của cấp ủy các cấp. Làm tốt công tác kiểm điểm, đánh giá xếp loại tổ chức đảng và đảng viên hằng năm.
Cần tăng cường sự chỉ đạo, giúp đỡ, kiểm tra, giám sát của cấp uỷ cấp trên; nắm chắc tình hình hoạt động của các chi bộ. Kịp thời rút kinh nghiệm và chỉ đạo, hướng dẫn việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phù hợp với từng loại hình. Tiếp tục duy trì và phát huy, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo trong việc tổ chức sinh hoạt chi bộ. Xuân Ngọc – Trường Chính trị Lê Duẩn