Thực chất của việc định hướng, thuyết phục trong công tác tuyên truyền miệng là người thực hiện tuyên truyền cần phân tích bản chất sự kiện, vấn đề, lập luận và đưa ra cách lý giải các nội dung, dẫn chứng minh họa bằng tư liệu, tài liệu, số liệu, thực tế... bảo đảm trung thực, khách quan để làm rõ bản chất vấn đề, quan điểm... qua đó định hướng tư tưởng, thuyết phục, cảm hóa người nghe. Như vậy, tính định hướng, thuyết phục biểu hiện cao hay thấp chủ yếu phụ thuộc vào năng lực, trình độ lập luận, phân tích, lý giải vấn đề của người tuyên truyền, từ đó tạo sự hấp dẫn, sức thuyết phục người nghe, cổ vũ niềm tin, thôi thúc người nghe hành động. Nếu quan niệm tuyên truyền miệng chỉ đơn thuần là tác nghiệp thông tin, không gắn liền với việc định hướng tư tưởng, vận động, thuyết phục để đi tới hành động tích cực thì dẫn đến tuyên truyền kém hiệu quả.
Thực tế vô cùng sinh động và phức tạp, đòi hỏi người làm công tác tuyên truyền miệng phải linh hoạt, sáng tạo trong việc đổi mới phương thức, nội dung, đồng thời, kiên trì, nhạy bén trong các vấn đề, tình huống phức tạp, nhất là các vụ việc, vấn đề nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm. Đổi mới nội dung, phương thức phù hợp với đối tượng nghe và tình hình thực tiễn chính là bước cơ bản thực hiện việc nâng cao tính định hướng tư tưởng, thuyết phục của công tác tuyên truyền miệng. Công tác tuyên truyền miệng không những đòi hỏi người tuyên truyền phải nắm vững đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, luôn luôn đứng vững trên lập trường tư tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Đảng và dân tộc lên hàng đầu, mà còn thường xuyên cập nhật thông tin và có kỹ năng truyền đạt nhất định. Đây là những phẩm chất đặc trưng của một báo cáo viên, thiếu những phẩm chất này, người tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục, định hướng tư tưởng trong điều kiện bùng nổ thông tin và những vấn đề phức tạp nảy sinh trên các lĩnh vực trong quá trình đổi mới đất nước mà hàng ngày, thậm chí hàng giờ tác động đến tư tưởng và tâm trạng xã hội.
Như vậy, muốn đảm bảo tính định hướng, thuyết phục thì người làm báo cáo viên trước hết và cơ bản là xác định đúng nội dung cần tuyên truyền. Chẳng hạn khi tuyên truyền về đại hội Đảng các cấp thì cần tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của đại hội, trong đó nhấn mạnh bối cảnh tổ chức đại hội (tình hình thế giới, trong nước, tình hình của các địa phương, đơn vị, những thành tựu đạt được do Đảng lãnh đạo); Tuyên truyền kết quả công tác nhân sự đại hội để làm rõ tính dân chủ, thống nhất, trí tuệ, đoàn kết của đại hội, trong đó cần chú trọng tuyên truyền các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đại hội, việc thực hiện các quy trình, quy định; đồng thời, trên cơ sở thành công của đại hội cần đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt; Tuyên truyền những thành tựu đạt được, những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực của đất nước, của địa phương, đơn vị được Báo cáo chính trị trình bày tại đại hội.
Hay để góp phần tích cực trong việc bảo đảm an ninh tư tưởng, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội ở các địa bàn thường có những vụ việc nhạy cảm xảy ra thì người báo cáo viên cần nắm rõ vụ việc, từ đó xác định đúng nội dung, phương thức tuyên truyền cụ thể, phù hợp với đối tượng, tình hình cụ thể. Trong công tác tuyên tuyền miệng thì đối tượng quy định nội dung, nghĩa là đối tượng quyết định đến nội dung tuyên truyền. Mặt khác, một trong những nguyên tắc của công tác tuyên truyền miệng là tính khoa học. Tính khoa học đòi hỏi báo cáo viên phải đảm bảo tuyên truyền chính xác, khách quan, làm rõ cơ sở khoa học của các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực và vận dụng một cách khoa học trong quá trình tuyên truyền. Chẳng hạn, khi phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết về tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng để làm các công trình phúc lợi xã hội, quốc phòng-an ninh, báo cáo viên cần tuyên truyền về Luật Đất đai, chính sách đất đai, trong đó tập trung giải thích rõ, tận gốc sở hữu đất đai, lợi ích chung mà các công trình mang lại. Điều này có ý nghĩa quan trọng, vì đã thông tin đầy đủ, chính xác và chính thống về nội dung cho đối tượng cần tác động, góp phần tạo thuận lợi cho việc triển khai các giải pháp tiếp theo để ổn định tình hình, đảm bảo thực hiện mục tiêu trực tiếp.
Sau khi xác định đúng nội dung, báo cáo viên cần có lập luận, phân tích bản chất vấn đề mà mình thông tin, chọn và sắp xếp các dẫn chứng minh họa để tăng tính thuyết phục; chuẩn bị nội dung trả lời cho các câu hỏi liên quan đến vần đề mà báo cáo viên đã thực hiện tuyên truyền (có thể xảy ra).
Cần phải nói thêm rằng, hoạt động định hướng là hoạt động lãnh đạo, mà hoạt động lãnh đạo thì xuất phát từ thực tiễn và đòi hỏi của thực tiễn. Cũng như các định hướng về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng…, công tác tuyên truyền miệng – một trong những phương thức tiến hành công tác tư tưởng cần phải luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, bám sát phong trào quần chúng cách mạng và thực tiễn sinh động của cuộc sống để có định hướng tuyên truyền sát đúng, phù hợp. Do vậy, nâng cao tính định hướng, thuyết phục trong công tác tuyên truyền miệng, báo cáo viên cần thường xuyên thâm nhập thực tế, nắm chắc tình hình, từ đó rút được những kinh nghiệm để xác định đúng nội dung và phương thức tuyên truyền, đồng thời tìm được cách làm sáng tạo, đột phá để nâng cao tính định hướng, thuyết phục trong quá trình tuyên truyền, góp phần vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo giải quyết tốt các vấn đề vướng mắc, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Tuy nhiên, để “dân theo, dân làm” như Bác Hồ đã dạy, thì tính định hướng, thuyết phục phải được bảo đảm nguyên vẹn và có giá trị bền vững bởi chính đạo đức cách mạng của người làm công tác tuyên truyền miệng. Đây là nhân tố quyết định hàng đầu đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng hiện giờ và sau này./.
Phan Văn Lãn
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị)