Nâng cao sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt 

(ĐCSVN) – Mục tiêu chính của phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030 nhằm nâng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt từ 1,1 triệu tấn vào năm 2021 lên 4 - 5 triệu tấn vào năm 2030.

 

 Tàu container lạnh liên vận quốc tế, chuyên vận chuyển trái cây, thủy sản đông lạnh sang Trung Quốc tại ga Đồng Đăng.

Ngày 7/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký công văn ý kiến về phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương lập các quy hoạch theo quy định để cụ thể hóa Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, Bộ GTVT sẽ quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện về việc cho phép một số ga đường sắt được tạm khai thác hoạt động liên vận quốc tế.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm chỉ đạo Tổng Cổng ty Đường sắt Việt Nam có kế hoạch đầu tư phương tiện, thiết bị đảm bảo hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa liên vận quốc tế.

Các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan phối hợp cùng thực hiện phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt.

Trước đó, nhằm nâng cao năng lực đưa ngành đường sắt đi lên, Bộ GTVT đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030.

Mục tiêu chính của phương án này là nhằm nâng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt từ 1,1 triệu tấn vào năm 2021 lên 4 - 5 triệu tấn vào năm 2030, trong đó, hàng đi tuyến Bắc - Nam, Hà Nội - Đồng Đăng đạt sản lượng 3 triệu tấn/năm; tuyến Hải Phòng - Yên Viên - Lào Cai là 1,5 triệu tấn/năm.Trong công văn trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, quá trình đầu tư tăng năng lực kết cấu hạ tầng khu ga đường sắt sẽ được chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn I (2022 - 2025), sẽ huy động khoảng 3.500 tỷ đồng từ ngân sách để tập trung nâng cấp 7 ga đường sắt liên vận quốc tế hoặc được quy hoạch là ga liên vận quốc tế, gồm: Đồng Đăng, Lào Cai, Kép, Vật Cách, Kim Liên, Diêu Trì, Sóng Thần.

Hiện tại, trên các tuyến đường sắt phía Bắc, có 2 ga (Đồng Đăng, Vật Cách) đã cân đối được vốn, lên kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2022 - 2024 với chi phí 470 tỷ đồng.

Trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, 2 ga Kim Liên (Đà Nẵng) và Sóng Thần (Bình Dương) đã được lên kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2022 - 2025 với kinh phí khoảng 2.300 tỷ đồng.

Các hạng mục chủ yếu được đầu tư, nâng cấp tại các ga này là cải tạo các kho hàng hiện hữu; xây mới bãi hàng container theo tiêu chuẩn mặt đường sân bay; bổ sung đường sắt trong ga, khu chỉnh bị đầu máy - toa xe.

“Đây là nhu cầu đầu tư tối thiểu để có thể nâng năng lực khai thác đường sắt liên vận quốc tế lên 4 -5 triệu tấn vào năm 2030, trước khi ngành Đường sắt nhận được nguồn lực lớn hơn”, Bộ GTVT thông tin.

Vấn đề cần nhất lúc này là công bố các ga có hoạt động liên vận đường sắt quốc tế tương tự công bố cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế.

Hiện trên hệ thống đường sắt Việt Nam có 14 ga có nhu cầu vận tải liên vận quốc tế, trong đó có 7 ga đã công bố liên vận quốc tế, 7 ga chưa được công bố (Đông Anh, Kép, Sen Hồ, Kim Liên, Diêu Trì, Trảng Bom, Vật Cách).

Nếu không được công bố ga liên vận quốc tế sẽ không đủ điều kiện mở chi nhánh hải quan tại các ga, làm hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, năng lực vận tải bằng đường sắt.

Do đó, việc công bố ga liên vận quốc tế không gây thất thoát, lãng phí, nhưng mang lại lợi ích lớn cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, khai thác hiệu quả các ga đường sắt hiện có, giảm chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

 
Tin, ảnh: KC
140 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 512
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 512
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87009846