Tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân ít có điều kiện tiếp cận với thông tin và người gửi tiền cũng là đối tượng dễ bị tổn thương, do đó, thời gian qua Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã tích cực đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để đưa chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đến gần hơn với người dân tại các địa bàn này.
Các chuỗi sự kiện tuyên truyền do BHTGVN tổ chức tại các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) với sự tham gia của đông đảo lãnh đạo, cán bộ và người gửi tiền tại quỹ nhằm truyền thông về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG và các quy định pháp luật về BHTG.
Tại đây, các nội dung cụ thể như: Hạn mức trả tiền bảo hiểm, phí BHTG, phạm vi tiền gửi được bảo hiểm… đã được giải đáp thỏa đáng đến các đại biểu tham dự. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để người gửi tiền, QTDND đưa ra những ý kiến, góp ý, qua đó BHTGVN có thể tổng hợp, tiếp thu phục vụ quá trình hoàn thiện chính sách và đổi mới hoạt động nghiệp vụ BHTG.
Bên cạnh đó, nhận thức rõ vai trò của BHTG đối với hoạt động của mình, nhiều QTDND đã chủ động triển khai tuyên truyền, tư vấn cho người gửi tiền về BHTG. Các tài liệu tuyên truyền do BHTGVN gửi tới các QTDND cũng bước đầu nhận được phản hồi tích cực.
Thực tế cho thấy, thông qua tuyên truyền chính sách BHTG, người gửi tiền nắm rõ quyền lợi của mình, yên tâm gửi tiền nhàn rỗi vào các QTDND, giúp giảm tình trạng mua vàng tích trữ hay sử dụng “tín dụng đen”, góp phần lành mạnh hóa môi trường tín dụng tại địa phương và tăng khả năng huy động vốn của hệ thống QTDND. Khi xảy ra sự cố tại quỹ hoặc có hiện tượng rút tiền đột biến, BHTGVN chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước các chi nhánh trên địa bàn, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp giải thích, tư vấn nhằm trấn an dư luận, giúp QTDND nhanh chóng chấn chỉnh và ổn định hoạt động.
Tích cực đa dạng hóa hình thức tuyên truyền
Trong thời gian tới, BHTGVN tiếp tục coi tuyên truyền chính sách tới vùng nông thôn là một trong những định hướng quan trọng. Để thực hiện điều này, việc phát huy vai trò của các chi nhánh BHTGVN là vô cùng cần thiết bởi đây chính là “cánh tay nối dài” của BHTGVN tại cơ sở, đi sâu, đi sát, đến với từng người gửi tiền ở khắp các xóm thôn, làng bản. Với lợi thế ở gần các QTDND, các chi nhánh BHTGVN sẽ dễ dàng tiếp xúc với người gửi tiền tại vùng nông thôn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ để đề xuất và triển khai phương án tuyên truyền linh hoạt, phù hợp.
Bên cạnh việc tích cực sử dụng các tiểu phẩm có lồng ghép nội dung chính sách để phát trên các đài truyền hình, đài phát thanh địa phương, BHTGVN cũng sẽ tiếp tục sản xuất các ấn phẩm, clip, phóng sự ngắn có nội dung dễ hiểu để giới thiệu tổng quan về chính sách, hoạt động của tổ chức BHTG; tham gia các hội nghị thành viên của các QTDND để triển khai tuyên truyền chính sách trực tiếp tới các thành viên của quỹ; phối hợp với chính quyền xã, thôn, các chi hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân… tổ chức các buổi tìm hiểu, thảo luận về chính sách BHTG…
Khi có điều chỉnh về chính sách BHTG, BHTGVN tích cực đẩy mạnh tuyên truyền để thông tin đầy đủ, kịp thời tới công chúng, giúp người dân hiểu đúng chính sách, từ đó nâng cao nhận thức, hình thành “thói quen” ứng xử phù hợp trước mỗi thông tin về hoạt động ngân hàng.
Để phát huy hiệu quả của chính sách BHTG, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, BHTGVN càng cần thiết phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền. Trong đó, người gửi tiền tại vùng nông thôn đã, đang và sẽ là trọng điểm tuyên truyền của BHTGVN, qua đó giúp chính sách lan tỏa và đi vào cuộc sống.
Quốc Thanh