Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong học tập lý luận, chính trị hiện nay 

Công tác giáo dục lý luận chính trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng. Trong đó, nâng cao hiệu quả học tập lý luận chính trị là một công việc rất cần thiết, có vai trò quan trọng trong tư duy lý luận con người. Việc học tập lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên hiện nay không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là biện pháp nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng và thường xuyên quan tâm tới công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Ngay mở đầu tác phẩm Đường kách mệnh (1927), Người đã trích chỉ dẫn của V.I.Lênin: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động. Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Người viết: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Người nêu rõ phương châm, phương pháp học tập lý luận là “lý luận liên hệ với thực tế”. Nhận thức sâu sắc rằng: “Có lý luận soi đường thì quần chúng hành động mới đúng đắn, mới phát triển được tài năng và lực lượng vô tận của mình” và “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Trong Đảng, “về tư tưởng, nhất định phải học tập lý luận Mác - Lênin” và “giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng” nói chung và xem nhẹ việc học tập lý luận nói riêng. Người nhấn mạnh: “Đảng cần phải giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận... Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”; đồng thời, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ lý luận; thấu triệt nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn mà còn phải chống giáo điều cũng như bệnh lười học, ngại học, hình thức trong học tập lý luận chính trị và vận dụng tri trức lý luận vào thực tiễn. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”; đồng thời, thừa nhận: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức”.

Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của công tác học tập lý luận chính trị, đặc biệt là nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về công tác lý luận chính trị, thời gian qua, Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Nhờ vậy, công tác học tập lý luận chính trị trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp, góp phần củng cố, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Trên cơ sở Kết luận số 176-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị; nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong cán bộ, đảng viên”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp về tiếp tục quan tâm củng cố và xây dựng trung tâm Chính trị các huyện, thị, thành phố theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; không ngừng đổi mới hình thức, phương pháp học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, đảm bảo tính nghiêm túc, khoa học và hiệu quả. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Cấp ủy các cấp cũng thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật thông tin, kiến thức mới, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Hằng tháng, thông qua hội nghị báo cáo viên, các cấp ủy đều triển khai cập nhật những vấn đề lý luận mới, thông tin về đối ngoại, tình hình thực tiễn của đất nước, tỉnh cho đội ngũ báo cáo viên. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng thực hiện nghiêm túc nội dung, thời gian chương trình theo quy định; đã kịp thời quán triệt vào trong chương trình giảng dạy nội dung các nghị quyết, chỉ thị mới của Đảng. Trung tâm Chính trị các huyện đã mở các lớp như:  bồi dưỡng lý luận chính trị kết nạp đảng, lớp bồi dưỡng lý luận chính trị đảng viên mới, lớp bồi dưỡng các chương trình, chuyên đề, có tỉ lệ học viên tham gia đạt trên 95%. Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nghiêm túc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, nhất là nội dung Nghị quyết 35-NQ/TW đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân. Trường Chính trị Lê Duẩn đã phối hợp các cấp ủy Đảng mở các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính,  các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở giúp học viên nâng cao nghiệp vụ, hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng…Cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy và học tập lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh và trung tâm Chính trị cấp huyện được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Cơ chế chính sách hỗ trợ đối với giảng viên, học viên ngày càng được quan tâm. Đội ngũ cán bộ, giảng viên được kiện toàn cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng. Nhiều giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc học tập lý luận chính trị hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như: không ít cán bộ, đảng viên không nhận thức đầy đủ về vai trò của lý luận, lý luận chính trị và yêu cầu cần thiết phải học tập lý luận chính trị. Một số người thiếu tự giác, không chủ động tham gia học tập lý luận chính trị. Thậm chí có nhiều người chỉ chú trọng bằng cấp chuyên môn; học không nghiêm túc, gượng ép, học kiểu đối phó. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới, các cấp uỷ, chính quyền cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp và cán bộ, đảng viên về học tập lý luận chính trị, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp uỷ, chính quyền. Cấp ủy các cấp cần thực hiện nghiêm quy định, chế độ học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghiên cứu lý luận chính trị gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ: “Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên, gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương”.

Hai là, cấp ủy các cấp cần thực hiện nghiêm quy định, chế độ học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghiên cứu lý luận chính trị gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên. Quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên và báo cáo viên giảng dạy lý luận chính trị, có bản lĩnh chính trị vững vàng, sắc bén về lý luận, am hiểu thực tế, kịp thời đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ mới. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cần hướng tới hình thành tư duy lý luận khoa học, củng cố niềm tin, tránh giáo điều. Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Kết luận số 69-KL/TW ngày 14-4-2010 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quy định 54-QĐ/TW ngày 12-5-1999 của Bộ Chính trị khóa VIII về “Chế độ lý luận chính trị trong Đảng”; Quy định số 164-QĐ/TW ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị về “Chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp”; Kết luận 57-KL/TW ngày 8-3-2013 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp”.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, lấy kết quả học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kịp thời biểu dương những tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện tốt việc học tập, nghiên cứu lý luận chính trị; đồng thời, góp ý, phê bình nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện lơ là, thiếu nghiêm túc trong học tập lý luận chính trị. Phạm Xuân Ngọc – Trường Chính trị Lê Duẩn

8551 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1263
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1263
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87109738