Nâng cao năng lực ứng phó với tác động của thiên tai từ biển 

(ĐCSVN) - Nghị quyết số 36-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 chỉ rõ: đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống biển xâm thực, xói lở bờ biển, ngập lụt, xâm nhập mặn; nâng cao năng lực hoạt động của các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, cứu nạn, cứu hộ,… là những điểm cần được chú trọng hơn nữa nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai.

 

Nhằm tìm hiểu rõ hơn về việc triển khai nội dung trên, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài. (Ảnh: BT)

Phóng viên (PV): Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về những tác động của thiên tai từ biển, ảnh hưởng của những thiên tai này đến kinh tế - xã hội, đời sống của người dân nước ta?

Ông Trần Quang Hoài: Việt Nam với đường bờ biển dài 3.200 km, vùng biển trên 1 triệu km2 với tiềm năng khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, phát triển du lịch, công nghiệp, dịch vụ, cảng với trên 108.000 tàu cá/trên 1 triệu lao động, hàng chục nghìn tàu vận tải, nhiều đô thị, khu công nghiệp, du lịch, khu nuôi trồng thủy hải sản,…là khu vực kinh tế quan trọng đóng góp vào phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, khu vực này cũng chịu tác động mạnh mẽ bởi thiên tai, nhất là: bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), nước dâng, ngập lụt, xói lở, xâm nhập mặn, thậm chí là sóng thần có xu thế diễn biến ngày càng phức tạp, đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại hầu khắp dải ven biển nước ta.

Điển hình như, Bão Linda tháng 11/1997 đổ bộ vào mũi Cà Mau làm trên 3.000 người chết và mất tích, gần 3.000 tàu thuyền bị chìm, mất tích; bão Chan Chu tháng 5/2006 đổi hướng đột ngột làm 268 người chết và mất tích; bão Cecil tháng 10/1985 đổ bộ vào khu vực Bình Trị Thiên (trước đây) gây nước dâng cao 4m làm 901 người chết, gần 69.000 ngôi nhà bị đổ. Gần đây, năm 2017 với kỷ lục 20 cơn bão và ATNĐ trong 1 năm, trong đó bão số 12 đổ bộ vào khu vực Khánh Hòa (nơi ít chịu ảnh hưởng của bão) làm 123 người chết và mất tích, 3.550 nhà bị sập đổ, 299.888 nhà bị hư hỏng, 73.744 lồng bè nuôi thủy sản.

Bên cạnh đó, sạt lở bờ biển nghiêm trọng tại nhiều khu vực dọc bờ biển, nhất là khu vực Hải Hậu (Nam Định), Cát Hải (Hải Phòng), Hội An (Quảng Nam), Gò Công Đông (Tiền Giang), Ba Tri (Bến Tre), Nhà Mát, Ghềnh Hào (Bạc Liêu), mũi Cà Mau với tốc độ xói lở trung bình từ 0,3 – 0,8m/năm, một số nơi trên 1m/năm, (đặc biệt tại khu vực ĐBSCL có nơi bị xâm thực tới 80m/năm) làm mất 2,37km2/năm ảnh hưởng trực tiếp các khu dân cư, du lịch, công nghiệp dọc ven biển.

Ảnh hưởng của triều cường gây ngập lụt thường xuyên, nhất là các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ,… Triều cường lịch sử đầu tháng 10/2018 làm vỡ một số tuyến đê bao và làm 9.541 nhà bị ngập, 2.876ha cây ăn trái lâu năm, 76 ha ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại (chủ yếu tại Vĩnh Long).

Xâm nhập mặn nghiêm trọng năm 2016 ảnh hưởng đến 11/13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với trên 2 triệu ha (52,7% diện tích toàn vùng) chịu tác động mặn ở mức 4g/lít. Thiệt hại ước tính 15.700 tỷ đồng.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, khó lường, phức tạp, tác động rất lớn đến ổn định đời sống nhân dân và hoạt động kinh tế xã hội trên biển, ven bờ. Chúng ta cần phải đầu tư, nghiên cứu nhiều hơn nữa, triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách trước mắt, giải pháp căn cơ lâu dài để có thể phát triển bền vững kinh tế biển như định hướng tại Nghị quyết số 36-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. 

PV: Như ông đã nêu ở trên, một trong những thiên tai từ biển có thể thấy rõ nhất là bão, trong đó, bão gây nhiều thiệt hại đến tính mạng và tài sản của ngư dân đánh bắt cá trên biển. Vậy xin ông cho biết, hiện nay công tác cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho ngư dân trên biển được triển khai như thế nào?

Ông Trần Quang Hoài: Ngư dân hoạt động trên biển là đối tượng chịu tác động đầu tiên bởi bão, ATNĐ, gió mạnh, sóng lớn. Trong đó tình huống bão, bão mạnh, siêu bão là đặc biệt nguy hiểm.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, công tác đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển đã được đầu tư đồng bộ, toàn diện với nhiều giải pháp.

Thứ nhất là thông tin, cảnh báo kịp thời mọi diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh, sóng lớn… tới chủ tàu, thuyền trưởng và gia đình chủ tàu đối với tất cả các tàu, phương tiện hoạt động trên biển thông qua nhiều phương tiện, cách thức như: thông báo trực tiếp tới các tàu thuyền qua hệ thống đài thông tin duyên hải, đài trực canh của biên phòng, của cộng đồng, thông tin rộng rãi trên truyền hình, phát thanh và trực tiếp thông báo tới gia đình chủ tàu thuyền.

Thứ hai, sử dụng công nghệ định vị vệ tinh giám sát hành trình tàu đánh bắt xa bờ hoạt động trên biển thông qua hệ thống Movimar (trên 3000 tàu), hệ thống trạm bờ (trên 8.400 tàu) và các hệ thống giám sát hành trình khác. Toàn bộ thông tin được giám sát chặt chẽ tại Tổng cục Thủy sản và Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.

Thứ ba, khi bão có khả năng ảnh hưởng đến biển Đông, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chỉ đạo biên phòng, địa phương tổ chức kiểm đếm toàn bộ tàu cá hoạt động trên biển, xác định các tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm, theo dõi chặt chẽ, hướng dẫn tàu thuyền về bờ hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Khi có sự cố tàu thuyền, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh huy động các lực lượng, các tàu thuyền hoạt động trong khu vực tiếp cận, tổ chức cứu nạn kịp thời.

Thứ tư, tổ chức hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến và các khu neo đậu tránh trú bão đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân. Thành lập các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển để kịp thời chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau khi gặp sự cố trên biển.

Mặt khác, kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền đảm bảo tàu thuyền ra khơi được trang bị đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc, áo phao, phao tròn cứu sinh, trang thiết bị đảm bảo an toàn cho ngư dân.

Về khu neo đậu tránh trú bão, đã đầu tư xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão với 68 khu với sức chứa trên 51.400 tàu thuyền, xây dựng các trung tâm tìm kiếm cứu nạn, trang bị tàu tìm kiếm cứu nạn hiện đại, huy động tàu hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố tàu thuyền.

Thường xuyên phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng phòng tránh bão, ATNĐ, gió mạnh, sóng lớn tới chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân.

Với đồng bộ các giải pháp nêu trên, công tác phòng chống bão, ATNĐ, gió mạnh, sóng lớn trên biển đã có nhiều kết quả, từng bước giảm thiều thiệt hại về người và tài sản, riêng những năm gần đây hầu như không có thiệt hại về người trên biển).

PV: Tác động của thiên tai từ biển, nước biển dâng, ảnh hưởng đến nhiều hệ thống đê ngăn mặn, đồng thời hiện tượng xói lở bờ biển đang có nhiều có nguy cơ tiếp tục diễn ra. Xin ông cho biết trước thực trạng này, chúng ta có những giải pháp gì để ứng phó?

Ông Trần Quang Hoài: Những năm gần đây, xu thế bão, áp thấp nhiệt đới có xu hướng ngày càng cực đoan và gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Cùng với ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới là nước biển dâng. Ngoài ra, theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2016, đến năm 2050, mực nước biển dâng trung bình cho toàn dải ven biển Việt Nam là 21cm.

Do tác động của dòng chảy, sóng, nước biển dâng và sự khai thác quá mức phía thượng nguồn, bờ biển bị xói lở mạnh, nhất là những năm gần đây ở miền Trung và Đồng bằng song Cửu Long. Theo báo cáo của các địa phương và qua công tác quản lý, hiện nay có khoảng 187 điểm bị xói lở với tổng chiều dài 469 km, trong đó điển hình là Vĩnh Hải (Thừa Thiên - Huế), Cửa Đại (Quảng Nam), Tuy Phong, Phan Thiết (Bình Thuận), Gò Công (Tiền Giang), Nhà Mát, Gành Hào (Bạc Liêu), bờ biển Đông, bờ biển Tây (Cà Mau),…Riêng vùng Đồng bằng song Cửu Long mỗi năm mất 300 ha đất, có nơi lấn 80m/năm. Tại những nơi có đê thuộc các khu vực xói lở nêu trên (những nơi sát chân đê) đã gây sóng lớn, uy hiếp nghiêm trọng ổn định của đê như: đê Gò Công, Nhà Mát, Gành Hào và đê biển Tây.

Để ứng phó với thực trạng trên, chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp: Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, nhất là tại các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm nêu trên để đảm bảo an toàn về người, tài sản và phương tiện. Tổ chức cắm biển báo tại các khu vực sạt lở nguy hiểm. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý khai thác cát, sỏi ở lòng sông, ven biển; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và dung túng cho các hoạt động vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều tra, đánh giá thực trạng xói lở bờ biển; tổ chức lập quy hoạch phòng chống xói lở bờ biển, quy hoạch sử dụng đất dải ven biển làm cơ sở để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống; xây dựng cơ chế quản lý tổng hợp vùng ven biển gắn với sinh kế của người dân.

Nghiên cứu, tổng kết đánh giá các giải pháp bảo vệ bờ làm cơ sở để rà soát hoàn chỉnh hệ thống Tiêu chuẩn, Quy chuẩn về phòng chống xói lở bờ biển.  Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu các giải pháp chỉnh trị ven biển.

Mặt khác, rà soát hệ thống quan trắc về thủy, hải văn trên phạm vi toàn quốc, kịp thời bổ sung để hoàn thiện, đáp ứng các yêu cầu về tài liệu cơ bản thủy, hải văn phục vụ quản lý tài nguyên nước, phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế, xã hội. Ưu tiên bố trí kinh phí ngân sách và nguồn vốn ODA cho công tác phòng chống xói lở bờ biển, nhất là tại các khu vực xói lở đặc biệt nguy hiểm.

Với các giải pháp nêu trên, xói lở bờ sông bờ biển đang từng bước được giải quyết giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

PV: Từ nay đến hết năm 2018, xin ông cho biết, dự báo tình hình thiên tai diễn ra như thế nào, đặc biệt thiên tai từ biển vào, các giải pháp phòng tránh và ứng phó?

Ông Trần  Quang Hoài: Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc Gia, trạng thái El Nino được dự báo duy trì trong các tháng cuối năm 2018 và nửa đầu năm 2019 với xác suất trong khoảng 70-80%. Khả năng xuất hiện khoảng 1-2 cơn bão hoặc ATNĐ trên khu vực Biển Đông và có khoảng 1 cơn ảnh hưởng đến đất liền khu vực các tỉnh Trung Bộ; thiếu hụt mưa trong các tháng 12/2018 và ít mưa trong những tháng đầu năm 2019, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ.

Để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai có thể xảy ra, các công tác trọng tâm cần được triển khai gồm: Theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các tỉnh miền Trung sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ (đã vào thời kỳ mùa lũ của miền Trung);

Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương ở miền Trung và miền Nam giám sát, dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước; xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bố trí điều chỉnh kế hoạch gieo trồng phù hợp với tình hình nguồn nước.

Rà soát công tác an toàn hồ đập, vận hành liên hồ chứa, điều tiết hợp lý các hồ chứa trên các lưu vực sông để vừa đáp ứng nhu cầu phát điện, vừa có thể cấp nước đảm bảo sản xuất và dân sinh khi hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, cộng đồng về phòng chống thiên tai, nhất là bão, lũ, hạn hán và xâm nhập mặn.

Cùng với đó, xử lý cấp bách sự cố sạt lở bờ biển, khẩn trương triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 7/11/2018 về tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông các tỉnh ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận và các hỗ trợ khác của Chính phủ cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt, khẩn trương rà soát, đánh giá một cách tổng thể và đề xuất giải pháp phòng chống sạt lở bờ biển cho các tỉnh có biển trên cả nước. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ giúp chúng ta chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!./.

BT (thực hiện)

319 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1288
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1288
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76221614