Toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc, phức tạp trong thế giới hiện đại, nó không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà còn mở rộng, lan tỏa, thâm nhập vào các lĩnh vực khác của đời sống, từ chính trị, xã hội đến văn hóa... Đó là “xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh”. Toàn cầu hóa còn rất nhiều nội dung lớn cần thảo luận, nghiên cứu, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi mà thế giới đang có những biến động lớn, khó lường với nhiều “ẩn số”.
Xét về mặt lịch sử và đặc trưng văn hóa, văn hóa Việt Nam có sự giao thoa, tiếp nhận, tác động lẫn nhau với văn hóa các nước và văn hóa khu vực. Quá trình này diễn ra không ngừng, theo cả chiều dài lịch sử, không gian và địa - văn hóa. Lãnh thổ nước ta có một đặc điểm, một lợi thế lớn là nằm trên vùng đất luôn có sự giao thoa, thâm nhập lẫn nhau giữa nhiều nền văn hóa. Từ thời dựng nước đã là sự giao thoa giữa văn hóa Đông Nam Á với văn hóa Đông Á và sau này là giữa văn hóa Trung Hoa và văn hóa Ấn Độ. Đến thời cận đại, đó là sự giao lưu, tác động lẫn nhau giữa văn hóa châu Á với văn hóa châu Âu trên lãnh thổ Việt Nam... Văn hóa và con người Việt Nam đã trưởng thành, khẳng định mình và tạo nên những giá trị độc đáo của dân tộc mình dựa trên một năng lực rất đặc biệt, đó là tự nuôi dưỡng và phát huy những giá trị của chính mình - văn hóa bản địa, vừa biết chọn lọc, tiếp nhận những giá trị tốt đẹp của nhiều nền văn hóa khác. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng đã khẳng định: Văn hóa Việt Nam “là kết quả giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình” và từ đó “Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc”.
Lịch sử dân tộc không chỉ cho ta kinh nghiệm chung mà còn để lại cho đời sau những tấm gương sáng ngời, cao đẹp như là kết quả của sự kết hợp sâu xa, nhuần nhuyễn của hồn cốt dân tộc và sự tiếp nhận có chọn lọc, thông thái và giàu sức sáng tạo văn hóa - văn nghệ nước ngoài. Đó là tấm gương của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Công Trứ...; ở thời xa xưa cho đến đầu thế kỷ XX như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám... đã “đằm” mình với văn hóa Trung Hoa, nhưng cả cuộc đời vẫn giữ cốt cách Việt Nam, trở thành biểu tượng rực rỡ của văn hóa Việt Nam, của khí phách, bản lĩnh, tâm hồn Việt.
Trong thời kỳ hiện đại, những người được đào tạo bởi văn hóa Pháp, châu Âu, Nhật Bản... nhưng cả cuộc đời thủy chung với Tổ quốc, tình yêu dân tộc và nhân dân, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về nước, trọn đời cống hiến, hy sinh cho cách mạng như Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Trần Đức Thảo, Lương Đình Của, Đặng Văn Ngữ, Lê Văn Thiêm...
Song, tấm gương sáng ngời nhất của sự kết hợp Đông và Tây, Việt Nam và thế giới, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự thổ lộ chân thành và đánh giá sâu sắc những giá trị mà Người chọn lọc và tiếp nhận cho mình trong các học thuyết của Khổng Tử, Giêsu, C. Mác và Tôn Dật Tiên là một minh chứng không chỉ là kinh nghiệm ứng xử văn hóa của bản thân Người, mà có lẽ, đã trở thành một quan niệm tiếp nhận, chọn lọc, sàng lọc của văn hóa, con người Việt Nam đối với văn hóa thế giới. Người viết: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó là thích hợp với điều kiện nước ta. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”.
Từ suy nghĩ ấy, Người khẳng định: Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam. Paulmus, tác giả của công trình “Hồ Chí Minh, Việt Nam, Á Châu” đã có một nhận xét sâu sắc: Người ta thấy một người Á Đông gia nhập hàng ngũ của Mác, có thể trở thành người cộng sản ngay trên đất nước mình, không hề lay chuyển, nhưng cộng sản theo cách của mình, bởi vì Người tìm cách diễn tả và làm sinh động học thuyết đó bằng những dạng truyền thống tương tự. Có thể nói, Hồ Chí Minh chính là tấm gương sinh động và độc đáo nhất mà tất cả những người đảng viên, cán bộ của Đảng cần hết lòng học tập và làm theo trong điều kiện toàn cầu hóa, giao lưu và tiếp biến văn hóa hiện nay và những năm tới.
Cùng với quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng sâu rộng và phức tạp, các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật vào nước ta ngày càng nhiều cả về số lượng, loại hình, qua rất nhiều kênh khác nhau, ngày càng hiện đại và theo đó là các khuynh hướng, trào lưu khác nhau, thậm chí đối lập nhau du nhập vào nước ta. Ngay cả trên các kênh gọi là “chính ngạch” như trên truyền hình, mạng xã hội (Internet) thì các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật nước ngoài cũng được truyền bá vào nước ta một cách hỗn tạp, thiếu chọn lọc, đã tác động đa chiều, phức tạp, làm biến đổi nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của một bộ phận người tiếp nhận, trong đó có một bộ phận cán bộ, đảng viên. Có thể thấy một thực tế khách quan rằng, Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới hiện nay, không thể “đứng ngoài”, không thể “bế quan tỏa cảng”, “phong bế” xu thế, xu hướng hội nhập, giao lưu, tiếp biến văn hóa. Các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật nước ngoài du nhập vào Việt Nam chỉ khi đến với người tiếp nhận mới phát huy tác dụng tích cực hay tiêu cực.
Trong bối cảnh hiện nay, thiết nghĩ, để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực tiếp nhận và sức đề kháng đối với các sản phẩm văn hóa, văn nghệ nước ngoài du nhập vào nước ta, cần thiết có sự kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo về chính trị và văn hóa. Văn hóa đang là một “lỗ hổng” đáng lo ngại trong nhận thức và trình độ của cán bộ, đảng viên. Tổ chức lại tất cả các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm, chức năng quản lý, quảng bá, thẩm định các tác phẩm thuộc tất cả các loại hình văn hóa, văn học, nghệ thuật có đủ trình độ chọn lọc các giá trị đích thực, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển, vừa có ý nghĩa định hướng đúng đắn về chính trị, tư tưởng, văn hóa. Điều quan trọng là bố trí, sử dụng, phân công cán bộ đảng có bản lĩnh chính trị đồng thời có năng lực chuyên môn, được đào tạo và kinh qua công tác trên lĩnh vực có nhiều đặc thù này. Đồng thời, rà soát, cơ cấu và xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị có chức năng truyền bá các sản phẩm văn hóa, văn nghệ, đặc biệt đối với truyền hình, phát hành phim, xuất bản và các hoạt động liên kết công tư. Điều không kém phần quan trọng nữa là tạo được không khí phê bình, dư luận xã hội rộng rãi phê phán các sản phẩm độc hại đã du nhập vào nước ta. Đó là sức đề kháng có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, vững chắc, như truyền thống lâu đời, quý báu của dân tộc ta, “nuôi dưỡng và phát huy những giá trị của chính mình và biết chọn lọc tiếp nhận những giá trị tốt đẹp của nhiều nền văn hóa khác”./. Phan Văn Lãn