|
Ảnh: VGP/Thanh Thủy |
Nhằm phân tích tầm quan trọng của năng lực tiếng Anh trong hoạt động giáo dục để từ đó nâng cao chất lượng của các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và tạo cơ hội cho giảng viên có cơ hội nâng khả năng chuyên môn, vừa qua ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM) đã tổ chức Hội thảo Bồi dưỡng năng lực giao tiếp xuyên văn hóa trong giảng dạy tiếng Anh. Hội thảo đã thu hút hơn 100 giảng viên là các giáo sư, tiến sĩ đến từ các trường ĐH trong và ngoài nước.
Các diễn giả, giảng viên tham dự hội thảo đã tập trung đưa ra những phân tích để chứng minh vai trò quan trọng của nâng cao năng lực tiếng Anh trong giáo dục không chỉ giúp các trường ĐH của Việt Nam khẳng định chất lượng giáo dục cũng như tạo dựng được sự gắn kết trong hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các trường ĐH quốc tế khác, mà còn chỉ rõ tầm quan trọng của nâng cao năng lực tiếng Anh trong dạy và học sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam trong thời gian tới.
Công cụ để hội nhập
Hiện nay tiếng Anh đang được sử dụng trên hơn 80 vùng lãnh thổ khác nhau để là công cụ trong hợp tác về kinh tế-chính trị; văn hóa-xã hội của các quốc gia khác nhau, từ đó tạo ra những liên kết hợp tác để cùng nhau phát triển. Bên cạnh đó, với sự phát triển như vũ bão của cuộc công nghiệp 4.0, thế giới hiện nay được xem là “phẳng” theo nghĩa là tất cả những sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và địa lý đã được xóa nhòa bởi các công cụ kết nối là tiếng Anh, internet.
Do đó, tăng cường năng lực tiếng Anh không chỉ cho học sinh, sinh viên (nguồn lao động chính của xã hội) mà cho tất cả mọi người trong một quốc gia đang phát triển được xem là một giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực của người lao động, từ đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội theo hướng hội nhập với nền kinh tế thế giới.
Đối với nền giáo dục ở những nước đang phát triển như Việt Nam, nâng cao năng lực tiếng Anh cho đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu khoa học và học sinh, sinh viên lại càng trở nên quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết để góp phần cung cấp “công cụ” kiến thức cho đội ngũ lao động, nguồn nhân lực chủ chốt trong hiện tại và tương lai của đất nước. Bởi vì, tiếng Anh bên cạnh là một “công cụ” được sử dụng để truyền tải những ý niệm văn hóa, kiến thức đối với nhiều người sử dụng tiếng Anh khác nhau còn là một trong những “công cụ” tuyệt vời để giúp cho việc đào tạo và nghiên cứu khoa học được tốt hơn, hiệu quả hơn.
Chính vì vậy, từ năm 2008, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 với mục tiêu là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường, để "đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và ĐH có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam.
Theo GS. Farzad Sharifian, ĐH Monash (Australia), đang trong giai đoạn phát triển và hội nhập, Việt Nam đã và đang quan tâm chú trọng tới việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó ngoại ngữ là một trong những yếu tố ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia châu Á khác, một phần có thể do ảnh hưởng nét văn hóa, phong tục Á Đông, người Việt Nam chịu ảnh hưởng của phương pháp giáo dục mang đậm nét “truyền thụ”, thụ động tiếp nhận kiến thức từ thầy, cô giáo. Việc tương tác hai chiều thường hạn chế, do vậy, điều này gián tiếp ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp khi học tập ngoại ngữ.
Do đó, theo GS. Farzad Sharifian, để phát huy tối đa hơn nữa hiệu quả giao tiếp, phải đổi mới và thay đổi phương pháp giảng. Có như vậy học sinh, người học mới có thể tiếp nhận kiến thức bằng tiếng Anh một cách chủ động, tự nhiên và sáng tạo hơn phương thức đơn thuần chỉ dạy và học như lâu nay.
Đổi mới phương pháp giảng dạy, tiếp cận
TS. Đinh Ngọc Thủy, ĐH Monash (Australia) cho rằng, giảng dạy tiếng Anh (ELT) trên thế giới đã, đang phát triển và không ngừng chuyển hóa trong suốt thập niên qua, nhờ vào các tiến bộ trong nghiên cứu và thực hành giảng dạy qua các khái niệm như Ngôn ngữ quốc tế (World Englishes) và Ngôn ngữ chức năng (ELF – English as Lingua Franca) và phạm trù văn hóa (Cultural linguistics).
Do đó, việc nhận thức khả năng liên kết các khái niệm ngôn ngữ Anh quốc tế và chức năng cũng như thực hành và áp dụng các mối liên kết này vào không gian lớp học hay nói cách khác là phương pháp giảng dạy và tiếp cận bằng tiếng Anh cần phải thay đổi để đạt được hiệu quả cao nhất trong giảng dạy-học tập.
Theo đó, theo TS. Đinh Ngọc Thủy, tiếng Anh gắn liền với hàng trăm nền văn hóa, không ngừng biến đổi theo thời gian và không gian, được sử dụng bởi các cộng đồng nói các ngôn ngữ khác nhau. Việc hiểu biết sâu sắc về các nền văn hóa trên tinh thần cởi mở và khả năng giao tiếp nhạy bén linh hoạt sẽ giúp giáo viên và người học Việt Nam tiến xa trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Bên cạnh đó, TS. Lê Thị Kiều Vân, Trưởng khoa Ngoại ngữ ĐH Nguyễn Tất Thành cũng cho rằng cùng với sự phát triển của quá trình hội nhập và phương pháp giảng dạy tiếng Anh đang ngày một đổi mới, người Việt nói chung và học sinh Việt Nam nói riêng đang ngày một gần gũi và coi trọng việc nâng cao năng lực tiếng Anh của mình. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như Đề án 2020 đề ra, ngành giáo dục nói chung và các trường ĐH nói riêng cần có những chiến lược cụ thể, mang tính hệ thống, nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng học tập ngoại ngữ của người học.
Chúng ta cần đổi mới phương pháp giảng dạy, tiếp cận nhằm thúc đẩy tối đa sự tương tác giữa giáo viên và học viên. Đồng thời, đổi mới khung chương trình, giáo trình, tài liệu, phần mềm hỗ trợ, giáo cụ và phương pháp giảng dạy với định hướng lấy việc giao tiếp là trung tâm.
Ví dụ như, nâng cao năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh trong quá trình truyền đạt kiến thức quan trọng nhất là tạo ra môi trường sử dụng và thực hành tiếng Anh ngay trong trường học. Các trường có thể tạo ra khu vực sinh viên hoàn toàn nói tiếng Anh như trong căng tin. Khi đó, các giao dịch và giao tiếp tại khu vực này bắt buộc thực hiện bằng tiếng Anh. Ngoài ra, các bảng biểu, thông báo, chỉ dẫn trong trường cũng nên thực hiện bằng tiếng Anh…
Thanh Thủy