Ông Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phát biểu tham luận tại Hội thảo
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, hội thảo nhằm thực hiện Chương trình Khuyến công quốc gia 2017, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, vật liệu, giảm thiểu chất thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở công nghiệp nông thôn, doanh nghiệp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề thủ công mỹ nghệ, cơ sở sản xuất kinh doanh, thành viên, hội viên làng nghề tại các tỉnh phía Bắc.
Báo cáo tại hội thảo, ông Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2016 có 1864/5411 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận. Tuy nhiên, có đến 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng. Đặc biệt, với nước thải, ô nhiễm chất hữu cơ các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ hàm lượng các chất ô nhiễm vượt quá quy chuẩn Việt Nam hàng chục lần. Môi trường không khí cũng bị ô nhiễm, chủ yếu từ sử dụng than làm nhiên liệu, sử dụng nguyên vật liệu và hoá chất trong dây chuyền công nghệ sản xuất do khí thải chứa các thành phần đặc trưng là bụi, CO2, CO, SO2…chất hữu cơ bay hơi.
Ngoài ra, trong quá trình tái chế và gia công cũng gây phát sinh các khí độc như hơi axit, kiềm, oxit kim loại và ô nhiễm nhiệt điện. Hàm lượng bụi ở khu vực sản xuất vật liệu xây dựng tại một số địa phương vượt quá quy chuẩn Việt Nam từ 3-8 lần, hàm lượng SO2 có nơi vượt 6,5 lần.
Để các làng nghề phát triển một cách bền vững, ông Tôn Gia Hóa cho rằng, điều cốt lõi là cần kiểm soát được tốc độ phát triển phù hợp với khả năng xử lý các tác động của sản xuất. Đặc điểm của sản xuất tại các làng nghề là nhỏ lẻ và thủ công truyền thống, vì vậy việc phát triển ồ ạt sẽ tạo nên sự mất cân đối trong chuỗi cung ứng nguyên nhiên vật liệu, sản phẩm, lao động và xử lý môi trường.
Hội thảo thu hút nhiều đại diện làng nghề, các sở, ban ngành tham dự
Bên cạnh đó, ý thức cộng đồng cũng là một điểm đột phá để khắc phục những hậu quả xấu về môi trường do hoạt động sản xuất. Phong trào “nông thôn mới” hiện nay là cơ hội để các làng nghề tìm cách giải quyết có hiệu quả các vấn đề môi trường, trên cơ sở nâng cao ý thức của người dân cùng với sự quan tâm đầu tư của nhà nước- ông Tôn Gia Hóa khẳng định.
Chung quan điểm đó, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định cũng cho rằng cần tăng cường giáo dục và tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Tạo cơ chế khuyến khích cộng đồng làng nghề tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và khắc phục ô nhiễm. Đồng thời, cần tăng cường kiểm soát công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu tại các làng nghề ô nhiễm môi trường. Theo đó, chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý môi trường hiệu quả. Thực hiện lồng ghép đề án bảo vệ môi trường làng nghề vào các chương trình, đề án có liên quan.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định cũng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách cụ thể và khả thi đối với làng nghề, hỗ trợ di dời, cho vay vốn ưu đãi, quỹ đất quy hoạch các khu công nghiệp, làng nghề…kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý bảo vệ môi trường ở cấp huyện, cấp xã. Đó là giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng lực quản lý và các giải pháp xử lý môi trường làng nghề./.
Tin, ảnh: Kim Dung