Nâng cao năng lực kiểm tra về chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu 

(ĐCSVN) – Doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng đối với hàng hóa do mình xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

 

Ngày 18/12, Tổng cục Hải quan họp triển khai Nghị quyết số 99/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019 . 
 
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: M.P)

Theo đó, thực hiện ý kiến của Chính phủ tại Nghị quyết số 99/NQ-CP giao: “Bộ Tài chính cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan theo hướng điện tử hóa, hướng tới Hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế; chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm, trình Chính phủ trong quý I năm 2020”, Tổng cục Hải quan đang xây dựng dự thảo Đề án đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. 

Theo ông Âu Anh Tuấn,  Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) thì mô hình kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay còn nhiều hạn chế làm tốn chi phí, nguồn lực đối với cả nhà nước và của doanh nghiệp, làm kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. 

“Việc kiểm tra theo từng lô hàng rất nhiều nhưng kết quả phát hiện vi phạm rất thấp, không tương xứng với nguồn lực (nhân lực, thiết bị, thời gian, tài chính) của nhà nước và của doanh nghiệp bỏ ra”, ông Âu Anh Tuấn chia sẻ.
 
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cũng cho biết, có rất nhiều chồng chéo, vướng mắc thậm chí việc các bộ đưa ra danh mục sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành nhưng kiểm tra, phát hiện quá ít, dẫn đến thiếu hiệu quả, phát sinh chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, hiện nay, nhiều bộ ban hành không biết bao nhiên danh mục, tiêu chuẩn quy chuẩn. Có 50% loại hàng hóa yêu cầu phải kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Ông Nguyễn Văn Cẩn cho hay, Chính phủ chỉ đạo có hướng làm mới trong kiểm tra chuyên ngành, Hải quan đã đề xuất cách làm mới. 

Theo đó, Hải quan đề xuất kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu thì các bộ cử biệt phái sang Hải quan để quản lý nhà nước tại cửa khẩu, Hải quan chỉ thừa hành. Còn các trung tâm giám định (không phải lĩnh vực an ninh quốc phòng, kiểm dịch mà chủ yếu là hàng nhập khẩu) thì nên chuyển sang Hải quan để thực hiện nhanh hơn.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan khẳng định, nếu quản lý theo quy chuẩn, có kết nối liên thông một cửa quốc gia sẽ cắt giảm danh mục kiểm tra rất nhiều, thay vì làm triệu lô hàng, triệu tờ khai/năm, chỉ làm một lần thôi. 

Sau khi nghiên cứu mô hình kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của của một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan, Camphuchia, Ấn Độ, Tổng cục Hải quan đưa ra mô hình mới cho công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng các bộ, ngành là cơ quan quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; ban hành danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng kèm quy chuẩn kỹ thuật tương ứng làm cơ sở thực hiện kiểm tra; thực hiện kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu sau thông quan. 

Theo đó, cơ quan Hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại cửa khẩu (trừ những hàng hóa đặc thù như mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch).

Doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng đối với hàng hóa do mình xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Đối với hàng hóa thuộc diện miễn kiểm tra hoặc tự nguyện công bố áp dụng, cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra đột xuất đối với lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu khi có thông tin hàng hóa không đạt chất lượng; hoặc có cảnh báo của các bộ quản lý chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất về chất lượng lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, mô hình mới sẽ giúp Chính phủ tiết kiệm ngân sách thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, giảm thời gian thông quan hàng hóa; giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật về chất lượng của hàng hóa, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. 

Đối với các bộ, ngành, đề án sẽ giảm nguồn lực kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu để tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách theo luật sửa đổi; ban hành đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật; đẩy mạnh việc kiểm soát chất lượng hàng hóa sau khi nhập khẩu, trong quá trình lưu thông, sản xuất…, nâng cao năng lực về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, đảm bảo việc kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu.

Để triển khai được mô hình mới trong công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho rằng cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, sửa đổi các luật có liên quan như: Luật Chất lượng; Luật An toàn thực phẩm; Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Luật Xử phạt vi phạm hành chính; Luật Hải quan; Luật Bảo vệ tài nguyên và Môi trường…

Cùng với đó, nâng cao năng lực kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại cửa khẩu cho cơ quan Hải quan: về con người, trang thiết bị, máy móc, hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo thực hiện mục tiêu.

Ngoài ra, đề án sẽ đưa ra lộ trình thực hiện nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý và năng lực thực hiện kiểm tra của chất lượng của cơ quan Hải quan.

Dự kiến đề án sẽ trình Chính phủ trong quý I/2020./.

 
M.P
312 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1088
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1088
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87126118