Đó là ý kiến chung của các đại biểu đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019 của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) diễn ra sáng 21/12, tại Hà Nội.
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)
Năng lực dự báo, cảnh báo về lũ, lũ quét vẫn còn nhiều bất cập
Chỉ rõ một số vấn đề còn tồn tại trong công tác phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, với loại hình thiên tai lũ, lũ quét, tính đối phó với loại hình thiên tai này vẫn còn chưa được cao, đặc biệt trong công tác dự báo, trong khi đây là loại hình thiên tai khi xuất hiện gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Từ thực tế này, cần có các trang thiết bị khoa học công nghệ để dự báo; trong công tác xã hội hóa phòng chống thiên tai cũng cần chú ý đến công tác này.
Về vấn đề này, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thêm, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai quy mô nhỏ, xảy ra nhanh như: lũ, lũ quét, sạt lở đất, dự báo định lượng mưa vẫn đang là thách thức của phòng chống thiên tai Việt Nam, một số công tác còn gặp nhiều khó khăn. Trung tâm cũng xác định, việc tăng cường năng lực cảnh báo sớm lượng mưa và phối hợp chỉ đạo, thực hiện phòng chống thiên tai ở các khu vực nhỏ thôn, bản, xã là rất cần thiết.
“Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, với sự cố gắng, hy vọng chất lượng bản tin dự báo sẽ được nâng cao hơn; công tác phối hợp giữa các đơn vị chặt chẽ hơn nhằm giảm thiểu thiệt hại về thiên tai” – ông Hoàng Đức Cường nhấn mạnh.
Trước những ảnh hưởng của loại hình thiên tai này, ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, Tổng cục đang xây dựng chương trình toàn diện cho phòng chống thiên tai ở khu vực miền núi phía Bắc, trong đó, có vấn đề phòng chống lũ, lũ quét, sạt lở đất, để từ đó đưa ra dự báo, hướng dẫn người dân phòng chống. Đây cũng là công tác trọng tâm trong năm 2019 của công tác phòng chống thiên tai.
Đảm bảo nguồn nhân lực có nghiệp vụ chuyên môn sâu
Nhìn nhận về thiên tai trong năm 2018, Bộ trưởng – Trưởng ban Chỉ đạoTrung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, năm qua, mặc dù thiên tai không quá khốc liệt so với năm 2017, tuy nhiên, không vì vậy mà có tư tưởng chủ quan.
“Nếu như năm ngoái có 20/21 dạng hình thiên tai xảy ra, riêng bão có 14 cơn, 4 lần cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 4 thì năm nay có 15/21 dạng hình thiên tai, bão và áp thấp nhiệt đới tổng cộng 14,… Tuy nhiên, năm nay, thiên tai có nhiều nét dị thường, đặc biệt là lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long, diễn biến bất thường của cơn bão số 9 xảy ra tháng 11 vừa qua” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phân tích.
Bộ trưởng lưu ý, trong năm 2019, công tác nhận dạng thiên tai, dự báo, cảnh báo phải bàn bạc để các cơ quan cùng tham gia. Đồng thời, phải rà soát kỹ 3 vấn đề lớn: thứ nhất vấn đề trang thiết bị, thứ hai là nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực sâu phục vụ cho công tác chuyên môn, thứ ba là phối hợp với quốc tế để nâng cao công tác dự báo, cảnh báo, tiếp thu những tiến bộ của thế giới, không thể chủ quan trong công tác phòng chống thiên tai.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, khâu ứng phó, đặc biệt là ứng dụng phương châm “4 tại chỗ” cần làm rõ về các vấn đề lực lượng, khâu kịch bản, chuẩn bị,… để triển khai nhịp nhàng trong công tác phối hợp.
Trong công tác khắc phục, nguồn lực Trung ương hỗ trợ cần rà soát lại, từ đó có cơ chế thống nhất để triển khai nhanh. “Hỗ trợ năm trước, năm sau mới có, vì vậy, cần có cơ chế gì, bằng văn bản pháp luật gì để các Bộ, ngành Trung ương phải làm cho nhanh” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.
Trong vấn đề hỗ trợ nguồn lực xã hội cho các hộ chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, Bộ trưởng yêu cầu cần được triển khai kịp thời, thống nhất, công bằng, minh bạch, không để xảy ra bất cập.
Bộ trưởng đề nghị, đối với nguồn nhân lực của phòng chống thiên tai, cần có tính chuyên nghiệp, khả năng xử lý thông tin nhanh, có nghiệp vụ nhằm đưa ra những bản báo cáo nhanh, độ chuẩn cao để phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo điều hành và thông tin truyền thông, nhằm góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo số liệu của Tổng cục Phòng chống thiên tai, năm 2018, mặc dù thiên tai không khốc liệt như năm 2017 nhưng đã xảy ra trên khắp thế giới với cường độ và tần suất vượt nhiều mốc lịch sử, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, hủy hoại môi trường sinh thái.
Tại Việt Nam, thiên tai xảy ra liên tiếp trên các vùng miền cả nước với trên 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất, 9 đợt gió mạnh trên biển; lũ lớn tại thượng nguồn sông Cửu Long sau 7 năm kể từ 2011, triều cường vượt mốc lịch sử tại các tỉnh Nam Bộ, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nghiêm trọng tại miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long,… gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng, làm 218 người chết và mất tích.
|
Bùi Thuỷ