Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong quản lý và bảo vệ rừng 

(ĐCSVN) - Trong giai đoạn 2021-2030 thực hiện nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng, mất rừng, kiểm soát hiệu quả cháy rừng, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: N.H) 

Theo Quyết định số 177/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021-2030, mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng, mất rừng, kiểm soát hiệu quả cháy rừng, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Trong giai đoạn 2021-2030, phấn đấu giảm ít nhất 10 - 15% các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và diện tích rừng bị thiệt hại so với giai đoạn 2015 - 2020, nhất là các hành vi phá rừng, khai thác, vận chuyển gỗ và lâm sản trái pháp luật, đốt, phá rừng. Củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực thi pháp luật cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo ít nhất 50% lực lượng quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về nghiệp vụ và trang bị các phương tiện, thiết bị bảo vệ rừng và chữa cháy rừng vào năm 2025. Nâng cao năng lực dự báo và độ tin cậy của công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, mất rừng; tổ chức phát hiện sớm và thông báo kịp thời về mất rừng, cháy rừng.

Về các nhiệm vụ cần triển khai, Đề án nêu rõ: Xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách về bảo vệ rừng, tổ đội quần chúng bảo vệ rừng. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; thực thi pháp luật về lâm nghiệp; chú trọng đào tạo cán bộ có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo cháy rừng, mất rừng và suy thoái rừng. Ứng dụng công nghệ cao trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; thường xuyên tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực dự báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng, mất rừng. Xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống cháy rừng, có cơ chế huy động, hiệp đồng giữa các lực lượng (bộ đội, công an, kiểm lâm, dân quân tự vệ,…) để xử lý hiệu quả tình huống cháy rừng. Đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả trong công tác thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám phục vụ công tác điều hành, chỉ huy chữa cháy rừng.

Đầu tư phương tiện, trang thiết bị, kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho lực lượng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng từ Trung ương đến địa phương. Cải tạo, sửa chữa và xây dựng trụ sở làm việc của các Hạt Kiểm lâm, Trạm Kiểm lâm, Trạm bảo vệ rừng, ưu tiên các khu vực khó khăn, xung yếu,...

Nhằm triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, trong giai đoạn 2021-2030, có rất nhiều các giải pháp cần được tập trung triển khai. Trong đó, cần tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, giá trị của rừng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sa mạc hóa, chống suy thoái đất, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, vận động các hộ gia đình sống trong và gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Đáng chú ý, tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành (bộ đội, công an, kiểm lâm,…) trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Tiếp tục thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, 4 sẵn sàng; địa phương chủ động bố trí nguồn lực và chỉ huy chữa cháy rừng. Xây dựng phương án chữa cháy rừng có huy động nhiều lực lượng phương tiện tại khu vực có nguy cơ cảnh báo cháy cao; hàng năm tổ chức diễn tập, thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; định mức trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng,… Nghiên cứu, hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh làm giảm khối lượng vật liệu cháy dưới tán rừng trồng các loài cây có nguy cơ cháy cao.

Đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả trong công tác thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám trong công tác điều hành, chỉ huy chữa cháy rừng. Tổ chức nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Các dự án ưu tiên bao gồm: Xây dựng, triển khai các dự án đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng hệ thống giám sát rừng tự động phát hiện cháy rừng và ứng dụng công nghệ cao trong giám sát rừng, phát hiện mất rừng, suy thoái rừng, tuần tra bảo vệ rừng; nâng cấp hệ thống dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, hệ thống phát hiện sớm cháy rừng.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án, Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cùng tổ chức thực hiện Đề án; chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án với các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và các chương trình, đề án, dự án có liên quan do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng. Sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có cháy rừng lớn xảy ra. Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt các dự án quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị trực thuộc theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành, triển khai thực hiện trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Cùng với đó, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có ý kiến về chuyên môn, kỹ thuật đối với các dự án đầu tư quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được đầu tư từ vốn ngân sách Trung ương. Ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; theo dõi, chỉ đạo thực hiện các dự án thuộc Đề án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành và địa phương bố trí kinh phí từ nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các dự án quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật liên quan. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện Đề án.

Bộ Tài chính căn cứ khả năng cân đối của ngân sách Trung ương, trên cơ sở tổng hợp, đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan, tổng hợp cân đối, bố trí kinh phí thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo thẩm quyền, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện các dự án quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Trình Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh cân đối, bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện Đề án, ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng,…/.

 
BT
376 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 551
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 551
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87238572