|
Chế biến các sản phẩm từ cá tra .(Ảnh: TTXVN) |
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện nay, nước ta có trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình.
Theo thống kê, với ngành hàng chế biến lúa gạo hiện cả nước có 582 doanh nghiệp, chè 455 doanh nghiệp, điều 465 doanh nghiệp, sắn 500 doanh nghiệp. Riêng thủy sản có 864 doanh nghiệp và gỗ 3.604 doanh nghiệp.
Về công nghệ và chất lượng, hiện đạt mức độ trung bình của thế giới, tuy đã có một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối tiên tiến, mang tầm của khu vực và thế giới.
Sự phát triển của công nghiệp chế biến nông sản góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ nền nông nghiệp tự cung, tự cấp sang nền nông nghiệp phát triển đa dạng theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn; đặc biệt, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn; sử dụng 1,6 triệu lao động, mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng. Nhiều ngành hàng đã hội nhập hiệu quả với kinh tế thế giới; sản phẩm nông sản xuất khẩu tới trên 180 nước và vùng lãnh thổ. Trong năm 2018, các thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức,…
Dù vậy, theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, chế biến nông sản nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp chế biến nông sản chưa chủ động được nguồn cung cấp nguyên liệu đảm bảo về số lượng và chất lượng. Hơn nữa, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất – chế biến – tiêu thụ trong các ngành hàng phần lớn thiếu chặt chẽ.
Đặc biệt, khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa sử dụng hết công suất chế biến, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm của mùa vụ như: rau, quả, thịt. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn (từ 10-20%) do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu. Nổi bật, sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp, sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm khoảng từ 15-30%.
Cùng với đó, cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn thu hút đầu tư vào chế biến nông sản, đặc biệt là đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ,… Trình độ quản lý và tay nghề chuyên môn phục vụ công nghiệp chế biến còn thấp, số lượng đào tạo chiếm tỷ lệ rất thấp.
Những hạn chế trên do tăng trưởng công nghiệp chế biến nông sản thời gian qua phụ thuộc nhiều vào yếu tố tài nguyên, lao động giá rẻ trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào khoa học công nghệ. Chính sách huy động, phân bổ nguồn lực cho phát triển công nghiệp chế biến nông sản chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Đáng chú ý, chất lượng công tác tham mưu về phát triển công nghiệp chế biến nông sản chưa có tầm chiến lược, chưa đề xuất được chính sách mang tính “đột phá” cho lĩnh vực này.
Phần lớn doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với doanh nghiệp chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản sản xuất, xuất khẩu, chủ yếu là doanh nghiệp cỡ vừa (tổng số vốn 20-100 tỷ, lao động từ 200-300 người). Hiện nay, đã hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế biến rau, quả, tôm, cá tra, sữa, cà phê, gỗ, tiêu, lúa gạo,… nhưng chưa nhiều.
Theo Quyết định số 245/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 16/1/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, định hướng đến năm 2030 công nghiệp chế biến nông sản đủ năng lực chế biến đảm bảo đầu ra cho sản xuất nông nghiệp hiện đại. Trình độ công nghệ một số ngành hàng đứng đầu khu vực và thế giới. Sản phẩm đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho rằng, cần xác định nâng cao năng lực công nghiệp chế biến là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản. Trong đó, cần đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến đối với những ngành hàng chưa có hoặc còn thiếu công suất chế biến. Đồng thời, cần đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị chế biến nông sản để sản xuất ra sản phẩm phong phú về chủng loại, giá trị gia tăng cao và hạ giá thành. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho chế biến nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho công nghiệp chế biến nông sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế./.