Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là mục tiêu của hầu hết các nước, là thước đo để đánh giá tính công bằng, hiệu quả của tài chính y tế và hệ thống y tế. Việt Nam đang nỗ lực theo đuổi mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đây chính là sự bảo đảm để mọi người dân khi cần đều có thể sử dụng các dịch vụ để nâng cao sức khỏe, dự phòng, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ có chất lượng và hiệu quả; đồng thời bảo đảm rằng việc sử dụng các dịch vụ này không gặp phải khó khăn tài chính. Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân không đồng nhất với bảo hiểm y tế toàn dân. Tuy nhiên, bảo hiểm y tế thường đóng vai trò chủ chốt trong thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Mục tiêu của bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế, đảm bảo các dịch vụ y tế cơ bản, toàn diện và bảo vệ người sử dụng trước rủi ro tài chính (tức là với mức chi phí có thể chi trả được, việc sử dụng dịch vụ không làm cho người sử dụng, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng thiệt thòi gặp phải khó khăn về tài chính)...

Y tế cơ sở là tuyến y tế gần dân nhất nhưng chưa được đầu tư nhiều. Ảnh: Đỗ Thoa
 

Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, hiện nay, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân như: Mô hình bệnh tật thay đổi với gánh nặng bệnh tật kép đòi hỏi những thay đổi từ hệ thống y tế; một số chỉ định thuốc, dịch vụ y tế quá mức cần thiết; sự chênh lệch về tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế giữa các nhóm dân cư, giữa các vùng miền có xu hướng tăng lên... Đặc biệt, năng lực cung ứng dịch vụ y tế còn yếu, nhất là tại tuyến y tế cơ sở làm hạn chế mức độ thụ hưởng quyền lợi của người có bảo hiểm y tế, gia tăng chi phí cho bệnh nhân.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Tăng cường y tế cơ sở chính là giải pháp thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân bởi vì y tế cơ sở gần nhất với người dân; mạng lưới y tế cơ sở được bao phủ rộng khắp; đặc biệt, y tế cơ sở là cách tiết kiệm chi phí nhất và bền vững nhất trong chăm sóc sức khỏe. Để tăng cường năng lực và chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, ngành y tế cần dựa vào y học gia đình và cụ thể là mô hình bác sỹ gia đình. Mạng lưới bác sỹ gia đình được triển khai hiệu quả sẽ giúp khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao hiệu quả hệ thống y tế...

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê nêu rõ: Đề án "Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình giai đoạn 2013-2020" được triển khai thí điểm tại 8 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Tiền Giang) nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục và thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện. Theo đó, đề án dự kiến sẽ xây dựng 80 phòng khám bác sỹ gia đình tại 8 tỉnh, thành phố.

Giai đoạn 2013-2017, thực hiện đề án, Bộ Y tế đã phê duyệt chương trình đào tạo y học gia đình để cấp chứng chỉ hành nghề bác sỹ gia đình thời gian 3 tháng cho bác sỹ gia đình. Các trường đại học (như: Đại học Y Hà Nội, Y dược Thái Nguyên, Y dược Huế, Y dược Hồ Chí Minh, Phạm Ngọc Thạch...) đã triển khai hoạt động đào tạo y học gia đình với nhiều loại hình đào tạo như: định hướng y học gia đình, chuyên khoa I, chương trình 3 tháng y học gia đình... Hiện nay, 8 tỉnh, thành phố thuộc phạm vi đề án đã thành lập được 350 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình...

Cũng tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như: Thực trạng hoạt động bác sỹ gia đình tại Việt Nam; bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở; mô hình hoạt động và cơ chế tài chính cho bác sỹ gia đình và y tế cơ sở./.

Đỗ Thoa