Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: K.D)

Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ logistics, trong đó khoảng 1.300 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia tích cực vào thị trường trong nước và nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp chủ yếu các dịch vụ logistics nội địa, như: Dịch vụ vận tải nội địa, vận tải đa phương thức, dịch vụ cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ kho bãi, khai báo hải quan, giám định, kiểm nghiệm hàng hóa, bốc dỡ hàng hóa… và đảm nhận một phần dịch vụ logistics quốc tế qua làm đại lý cho các doanh nghiệp nước ngoài là các chủ hàng, chủ tàu, các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế thuê lại.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, sự phát triển logistics ở nước ta trong thời gian qua có những đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, mở rộng và phát triển thị trường quốc tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, kéo dài từ nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết được như: Công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau; cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa kết nối được với các nước trong khu vực; nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu; đặc biệt là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với doanh nghiệp các nước trong khu vực và thế giới…

Nhằm thúc đẩy phát triển ngành logistics của Việt Nam trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, các ý kiến cần nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại trong hoạt động logistics của Việt Nam ở tất cả ba cấp: Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, địa phương đến các hiệp hội, doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cũng như những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cần tháo gỡ. Từ đó, có đề xuất, kiến nghị những biện pháp phối hợp giải quyết nhằm tạo thuận lợi hóa cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với các nước nói chung và lưu thông hàng hóa trong nước nói riêng. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phong cách làm việc chuyên nghiệp trong hoạt động logistics sẵn sàng thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Diễn đàn thu hút đông đảo doanh nghiệp, đại diện ban, ngành tham dự (Ảnh: K.D)

Chia sẻ ý kiến của mình, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ cũng như khối kinh tế tư nhân cần có lộ trình rõ ràng về cải cách nếu muốn nâng cao chất lượng dịch vụ logistics theo những đòi hỏi tăng lên của một nền kinh tế ngày càng hiện đại.

Theo đó, Việt Nam cần tăng cường kết nối. Khi khả năng kết nối trở nên có hiệu quả thì sẽ tăng cường được mối liên kết giữa sản xuất và thị trường thế giới. Từ đó sẽ giảm được chi phí thương mại và tăng sự ổn định cho các doanh nghiệp trong nước về thực hiện đơn hàng. Mặc dù có những nỗ lực lớn trong đầu tư công vào hệ thống giao thông, hạ tầng có liên quan đến thương mại chưa bắt kịp được với mức độ với tăng trưởng xuất khẩu và sự gia tăng nhanh chóng về lưu lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, phải tăng cường tạo thuận lợi thương mại có thể là một yếu tố quyết định.

Các xu hướng toàn cầu cho thấy lợi ích có được từ tăng cường tạo thuận lợi thương mại có thể lớn hơn nhiều lợi ích từ giảm thuế quan, đặc biệt khi mà mức thuế quan hiện đã khá thấp ở phần lớn các lĩnh vực. Tiến bộ gần đây trong cải cách hải quan là rất đáng khích lệ, nhưng việc cải cách và hiện đại hóa các cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn chậm trễ hơn nhiều. Việc chỉ cải cách ngành hải quan sẽ không tạo ra hiệu quả đáng kể về tạo thuận lợi thương mại – ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn, Bộ Công Thương đã công bố chính thức Báo cáo Logistics Việt Nam 2017 và ra mắt trang thông tin điện tử www.logistics.gov.vn. Đây là kênh thông tin trao đổi nhanh, trực tiếp nhằm giúp các doanh nghiệp,   cơ quan quản lý nắm bắt và phản hồi thông tin kịp thời, hiệu quả.

Cũng tại Diễn đàn đã diễn ra 05 Lễ ký kết hợp tác chiến lược và toàn diện giữa các doanh nghiệp, hiệu hội các trường đại học nhằm thúc đẩy, tạo đột phá phát triển dịch vụ Logistics trong thời gian tới: Ký kết giữa Ngân hàng OCB và Bee Logistics; Vinalines và Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất; Tập đoàn Novaon & Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt; Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics và Đại học Quốc gia Hà Nội; Hợp tác của 16 trường đại học có chuyên ngành đào tạo Logistics./.

Ngành dịch vụ Logistics Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ từ 15-16%/năm. Theo chỉ số hoạt động LPI của Ngân hàng thế giới 2014, Việt Nam xếp hạng 53 và 2016 xếp hạng 64/160 nước, đứng thứ 4 trong các nước ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. 

 

 

Kim Dung