Hội thảo thu hút nhiều doanh nghiệp và đại diện các ban, ngành (Ảnh: K.K)
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, mở ra nhiều cơ hội phát triển, thương hiệu và doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu dù có nhiều thuận lợi nhưng cũng đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức.
Tại Hội thảo, các diễn giả đại diện cơ quan quản lý, đại diện các doanh nghiệp là những người tham gia trực tiếp trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” từ thực tiễn công tác của mình đã khái quát lại những năng lực cạnh tranh của thương hiệu và doanh nghiệp, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu và doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Khẳng định tầm quan trọng cũng như hiệu quả thiết thực của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, sau 8 năm triển khai, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng của người Việt Nam. Thông qua cuộc vận động, người tiêu dùng đã quan tâm hàng hóa có xuất xứ tại Việt Nam; năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng lên và tích cực đầu tư công nghệ, thay đổi quy trình nâng cao chất lượng, giảm giá thành phù hợp với người tiêu dùng.
Chia sẻ tại hội thảo, Cục trưởng Cục Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cũng cho rằng, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó cải thiện dần khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng hóa xuất nhập khẩu. Song, hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, cơ bản còn thiếu năng lực phát triển thương hiệu và không coi đây là một công cụ kinh doanh đúng nghĩa, với nhận thức chưa thực sự đầy đủ về vai trò quan trọng của thương hiệu…Chính vì thế, theo ông Vũ Bá Phú, những hạn chế đó làm cản trở thương hiệu Việt Nam tìm chỗ đứng ngay trên thị trường nội địa, trong bối cảnh cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm của các công ty đa quốc gia có mặt trên thị trường Việt Nam.
Theo Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long Nguyễn Thái Dũng, doanh nghiệp đã triển khai thành công nhiều chương trình xúc tiến quảng bá sản phẩm vùng miền và thương hiệu Việt. Tuy nhiên, trong quá trình hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới, doanh nghiệp nhận thấy, các sản phẩm Việt Nam mặc dù chất lượng và hương vị hấp dẫn nhưng còn nhiều điểm yếu như chưa xây dựng được thương hiệu, bao bì chưa bắt mắt… Đặc biệt, công tác sơ chế và bảo quản sau thu hoạch còn chưa đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ…Vì vậy, để hội nhập doanh nghiệp cần coi trọng xây dựng và phát triển thương hiệu hơn nữa./.
Kim Dung