Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ 

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội, con người…, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”.

Năng lực cầm quyền của Đảng là năng lực giữ chính quyền nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước hợp lý để đề ra được chủ trương, đường lối, mục tiêu phát triển đúng đắn, lãnh đạo nhà nước và Nhân dân thực hiện được mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển của Đảng. Nói cách khác, năng lực cầm quyền của Đảng, chính là năng lực lãnh đạo nhà nước và xã hội nhằm xây dựng, phát triển đất nước theo con đường, mục tiêu mà Đảng đã xác định, được thực hiện thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên nắm giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, gắn kết với Nhân dân, phát huy sức mạnh và huy động, quy tụ được sự ủng hộ và góp sức của đông đảo quần chúng Nhân dân.

Năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là những điều kiện cần và đủ để nâng cao khả năng thực hiện hiệu quả sự cầm quyền của Đảng, bao gồm: nâng cao khả năng nắm, giữ chính quyền; nâng cao khả năng phát huy vai trò của vị thế cầm quyền của Đảng; nâng cao khả năng sử dụng quyền tác động, chi phối hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị -xã hội, xã hội – nghề nghiệp, các tổ chức khác và Nhân dân theo đường lối, quan điểm của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, đường lối, nghị quyết của Đảng.

Những điều kiện cần và đủ để Đảng Cộng sản Việt Nam có khả năng nâng cao năng lực cầm quyền bao gồm: phẩm chất chính trị, đạo đức; năng lực hoạch định đường lối, năng lực lãnh đạo; phong cách, lề lối làm việc; ý thức tổ chức, kỷ luật của đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng, nhất là cán bộ cấp chiến lược; thái độ quan hệ với Nhân dân của Đảng, các tổ chức đảng và của cán bộ, đảng viên; hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng từ Trung ương đến cơ sở được tổ chức khoa học, có sức chiến đấu cao. Đây là những yếu tố cần thiết bảo đảm cho Đảng nắm, giữ chính quyền, phát huy vai trò, vị thế cầm quyền của Đảng trong xã hội; sử dụng hiệu quả quyền tác động, chi phối xã hội theo Cương lĩnh, mục tiêu, đường lối, quan điểm của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, đường lối mà Đảng đã đề ra.

Nội dung năng lực cầm quyền của Đảng bao gồm: (i) Khả năng xây dựng các định hướng, tầm nhìn: Cương lĩnh chính trị, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, khu vực quan trọng một cách dài hạn, bài bản, khoa học và có tính khả thi cao; (ii) Khả năng lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật để làm cơ sở pháp lý tổ chức thực hiện trong toàn xã hội; (iii) Khả năng lãnh đạo sử dụng quyền lực của Nhà nước và phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân, tổ chức thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, đường lối, chủ trương đã đề ra. Đây là vấn đề có tính quyết định, là thước đo thực tiễn năng lực cầm quyền của Đảng; (iv) Khả năng lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục và quản lý nhằm bảo đảm năng lực, đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ và tư cách, phong cách đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công; (v) Khả năng tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết thực tiễn một cách thường xuyên, liên tục và thực chất để không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng.- Khả năng quy tụ, gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy được sức mạnh của mọi tầng lớp Nhân dân ở trong và ngoài nước, huy động được sự ủng hộ, chung sức của quần chúng Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Để nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, phải nâng cao năng lực giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với chính quyền nhà nước và năng lực lãnh đạo Nhà nước thực hiện Cương lĩnh, mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển mà Đảng đã xác định, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo Nhà nước thực hiện Cương lĩnh chính trị, mục tiêu, tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển đất nước.

Thứ hai, nâng cao năng lực lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, các tổ chức khác trong hệ thống chính trị về thể chế hóa, cụ thể hóa Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và nâng cao năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng trong thực tiễn.

Thứ ba, nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Thứ năm, phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và Nhân dân tham gia nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng.

Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ thực sự của Nhân dân

 Thứ bảy, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng, của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng.

Thứ tám, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, phong cách và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Trí Ánh (Nguồn Ban Tuyên giáo Trung ương)

76 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1204
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1204
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84190003