Ngày 17/4, tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Truyền thông về chính sách bảo BHXH và BHYT: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả".

Đây là lần đầu tiên một hội thảo khoa học về truyền thông chính sách BHXH, BHYT được tổ chức với sự tham gia của ba giới chuyên môn, bao gồm: nhà quản lý, điều hành thực thi chính sách, nhà nghiên cứu và đào tạo báo chí - truyền thông và lãnh đạo quản lý một số cơ quan báo chí cùng đội ngũ biên tập viên, phóng viên.

GS.TS Nguyễn Văn Kim, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: ĐT

Phát biểu hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Kim, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nhấn mạnh vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội. Đây là hai chính sách nhằm bảo đảm tính công bằng xã hội và cũng là thước đo quan trọng đánh giá trình độ phát triển của xã hội. Để việc thực thi các chính sách nói chung và chính sách BHXH, BHYT nói riêng, công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng, là cầu nối đưa các quy định của pháp luật đến với từng người dân, đi vào thực tiễn cuộc sống.

Hội thảo khoa học về truyền thông BHXH, BHYT được tổ chức nhằm đánh giá các phương thức và hiệu quả truyền thông về chính sách BHXH, BHYT hiện nay, cũng như đề xuất các giải pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu xã hội. Với 30 tham luận, công tác truyền thông về BHXH, BHYT được phân tích, nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau: từ phía cơ quan quản lý, tổ chức thực hiện chính sách, cơ quan báo chí, cơ quan đào tạo báo chí; các số liệu thống kê, điều tra, khảo sát trong các tham luận phong phú, sinh động, có tính cập nhật thời sự, qua đó làm rõ thực tế công tác truyền thông BHXH, BHYT trên các loại hình truyền thông như báo in, báo điện tử, phát thanh, mạng xã hội…; gợi mở, đề xuất các biện pháp đẩy mạnh truyền thông BHXH, BHYT trên cơ sở nhu cầu thông tin các nhóm đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Theo Ban tổ chức, hội thảo được kỳ vọng tạo ra một không gian đối thoại giữa ba nhóm để tăng cường hiểu biết và nâng cao năng lực lẫn nhau nhằm đạt được các mục tiêu truyền thông về chính sách BHXH, BHYT trong thời gian tới. Trong đó, có mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 50% số người lao động tham gia BHXH; 35% số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và 90% dân số tham gia BHYT.

ThS Dương Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam) đưa ra số liệu về phát triển BHXH, BHYT. Tính đến hết tháng 2/2018, số người tham gia BHXH đạt 13,79 triệu người, tham gia BHTN đạt 11,69 triệu, tham gia BHYT đạt 80,55 triệu, đạt tỷ lệ bao phủ gần 86% dân số cả nước.

Số người tham gia BHXH, BHYT đạt kết quả tích cực trong các năm gần đây, tuy nhiên so với mục tiêu đặt ra còn khoảng cách khá xa; một trong những nguyên nhân là do công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả thực hiện chưa cao. Thực tế hiện nay, hàng ngày vẫn có không ít tin, bài báo chí chưa phản ánh đúng bản chất BHXH, BHYT, liên quan đến tính bền vững của Quỹ BHXH, BHYT, nguyên tắc đóng - hưởng khi tham gia BHXH, BHYT, dễ tạo nên những nhận thức chưa đúng về BHXH, BHYT.

Do đó, việc tổng kết, đánh giá toàn diện công tác truyền thông, khắc phục những hạn chế đang còn tồn tại, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác truyền thông BHXH, BHYT trong thời gian tới có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Chia sẻ tại buổi hội thảo, TS Đoàn Văn Báu - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, hệ thống an sinh xã hội được đảm bảo, đặc biệt là chính sách BHXH và BHYT đã phát huy vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội.

Do đó, báo chí phải là nhân tố, là phương tiện có sức mạnh đặc biệt trong việc định hướng nhận thức, hình thành dư luận xã hội. Báo chí cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, giúp BHXH, BHYT xứng đáng là hai thành tố trụ cột của chính sách an sinh xã hội.

Xuất phát từ thực tiễn công tác tổ chức thực hiện, ThS, BS Lê Văn Phúc, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam chia sẻ những yêu cầu từ thực tiễn với công tác truyền thông BHXH, BHYT, nhất là trong quá trình bắt đầu triển khai thực hiện các quy định mới của pháp luật.

Theo ông Lê Văn Phúc, để phát triển BHYT bền vững, cần phải truyền thông để giúp người dân nhận thức rõ bản chất, quyền lợi BHYT, tập trung vào các nhóm thông điệp chủ yếu liên quan đến đóng BHYT theo hộ gia đình, phạm vi hưởng BHYT, chế tài xử phạt hành vi trốn đóng BHXH, BHYT của chủ sử dụng lao động, trục lợi BHYT từ phía người tham gia, cơ sở y tế…

“Thời gian tới, sẽ có một số quy định mới về điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT, mẫu thẻ BHYT… Công tác truyền thông cần đi trước để thông tin giúp người dân biết và hiểu rõ các quyền lợi BHYT, qua đó thực hiện tốt và tham gia giám sát, phòng chống trục lợi, góp phần phát triển BHYT bền vững”- ông Lê Văn Phúc chia sẻ.

Hội thảo khoa học "Truyền thông về chính sách bảo BHXH và BHYT: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả" tổ chức ngày 17/4 tại Hà Nội. Ảnh: ĐT

Dưới góc nhìn từ cơ quan báo chí, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, Báo Pháp luật Việt Nam, ThS Trần Ngọc Hà nêu vấn đề tiếp cận thông tin báo chí về BHXH, BHYT và hiệu quả phối hợp giữa cơ quan BHXH và cơ quan báo chí, hiện vẫn còn một số hạn chế nhất định. Các cơ quan báo chí tiếp cận khai thác thông tin về BHXH, BHYT còn khá bị động, phụ thuộc vào nguồn thông tin từ cơ quan BHXH cung cấp, chưa có sự đào sâu khai thác từ thực tiễn với những câu chuyện điển hình tạo hiệu ứng lan tỏa. Thực tế, hiện các cơ quan báo chí chưa có đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên trách về BHXH, BHYT.

Từ phía cơ quan BHXH, công tác phối hợp truyền thông đã được tăng cường, nguồn lực đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, hiệu quả phối hợp cần đánh giá cụ thể hơn về mặt chất lượng, thay vì đo lường số lượng thuần túy như hiện nay. Việc tiếp cận, khai thác thông tin từ cơ quan BHXH với phóng viên còn gặp khó khăn, nhất là tại các địa phương. Trong một số trường hợp, việc xử lý khủng hoảng truyền thông của cơ quan BHXH chưa chủ động kịp thời.

Để phát huy hiệu quả truyền thông BHXH, BHYT, cả cơ quan BHXH và cơ quan báo chí đều cần cố gắng, đa dạng hóa nguồn nội dung phù hợp với từng kênh truyền thông, loại hình truyền thông. Quá trình phối hợp cần đi sâu về chất lượng nội dung, cơ quan BHXH phát huy vai trò định hướng để thông điệp BHXH, BHYT lan tỏa sâu rộng hơn đến cộng đồng, bảo đảm sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đầu tư cho công tác này.

Các tham luận, ý kiến chia sẻ tại hội thảo cũng đề cập đến nhiều vấn đề xoay quanh công tác truyền thông BHXH, BHYT. Bên cạnh vai trò của các cấp ủy chính quyền, đoàn thể, các cơ quan báo chí, một số tham luận đặt vấn đề cần quan tâm đẩy mạnh việc tích cực sử dụng các công cụ truyền thông mới trên môi trường internet như mạng xã hội, các diễn đàn, cộng đồng nhóm có tính tương tác cao… Các yếu tố liên quan đến đặc thù nhóm tham gia như học sinh, sinh viên, lao động nữ, đồng bào dân tộc thiểu số; đặc điểm vùng miền, địa phương… được phân tích, đánh giá, làm rõ ảnh hưởng, tác động đến quá trình truyền thông BHXH, BHYT./.

Đỗ Thoa