Nâng cao hiệu quả thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng hiện nay 

Tự phê bình và phê bình là vấn đề có tính nguyên tắc, là quy luật tồn tại của Đảng, là vũ khí, công cụ sắc bén để giáo dục, rèn luyện đảng viên, là cơ sở để củng cố khối đại đoàn kết trong Đảng góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến tự phê bình và phê bình trong Đảng. Trong bài báo Tự phê bình, phê bình, sửa chữa, Người đã đưa ra khái niệm hoàn chỉnh về tự phê bình và phê bình. Người viết: “Tự phê bình là cá nhân (cá nhân hoặc đoàn thể) thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp mình sửa chữa, mà cũng để người khác biết mà tránh những khuyết điểm mình đã phạm. Phê bình là thấy ai (cá nhân, cơ quan, đoàn thể) có khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để họ sửa chữa, để họ tiến bộ. Mục đích của tự phê bình và phê bình đều nhằm giúp nhau sữa chửa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, cùng nhau tiến bộ”.  Người đề cập đến tự phê bình và phê bình cụ thể, thiết thực và toát lên sự chân thành, thẳng thắn, gần gũi mà ai cũng có thể học được, làm theo được, nhất là đối với cán bộ, đảng viên.

Người còn nhắc nhở chúng ta, phải xem tự phê bình và phê bình thực hiện thường xuyên như công việc rửa mặt hàng ngày, thái độ tự phê bình cần mạnh dạn, thẳng thắn, thật thà. Tự phê bình là một cuộc đấu tranh, người cách mạng nhất định thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, phải đánh thắng kẻ địch trong lòng mình đó chính là chủ nghĩa cá nhân. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc của mình, khi nói về Đảng, một trong ba điều Bác đã căn dặn chúng ta: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để cũng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng…”. Kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, Đảng ta cũng đã khẳng định: “Một quy luật cơ bản trong phát triển, tiến bộ của Đảng là thường xuyên tự phê bình và phê bình”.  Thực tiễn công tác xây dựng Đảng gần 90 năm qua cho thấy tự phê bình và phê bình là nguyên tắc luôn được Đảng ta quán triệt và thực hiện, là nhân tố quan trọng làm cho Đảng luôn giữ vững vai trò cầm quyền và phát huy năng lực lãnh đạo cách mạng.

Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đưa ra quan điểm: “Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng…Coi trọng đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, tổ chức đảng, chất lượng tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt đảng.” Quan điểm Đại hội XII: “Hoàn thiện cơ chế, quy chế và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tự phê bình, phê bình, chất vấn trong các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp. Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng”. Để nâng cao hiệu quả công tác tự phê bình và phê bình, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, quy định và hướng dẫn để triển khai thực hiện, đồng thời xem đây là một trong những giải pháp rất quan trọng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy, một bộ phận cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng chưa nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, mục đích, ý nghĩa, tác dụng của tự phê bình và phê bình nên chưa chú trọng, nghiêm chỉnh, tự giác thực hiện. Không ít đảng viên, tổ chức đảng không tự giác phê bình mà tìm mọi cách để giấu giếm, bao che, đỗ lỗi cho hoàn cảnh khách quan; một số cán bộ, đảng viên chưa mạnh dạn nói thẳng, nói thật, phê bình, góp ý cho cấp trên, vẫn còn tình trạng lợi dụng tự phê bình và phê bình để đã kích, nói xấu, hạ bệ chỉ trích, phê phán lẫn nhau, vì mục đích cá nhân “vạch lá tìm sâu”, “chuyện bé xé ra to”, làm cho người bị phê bình không nhận ra được sai lầm để sửa chữa. Bên cạnh đó, một số cấp ủy chưa chú trọng và chưa ý thức được việc bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên trong công tác sinh hoạt, phát triển đảng nên ảnh hưởng rất nhiều đến năng lực điều hành, tổ chức sinh hoạt đảng, đặc biệt là công tác phê bình và tự phê bình.

Nguyên nhân của tình trạng này do chưa làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình; chưa tiến hành tự phê bình và phê bình theo đúng quan điểm của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực hiện tự phê bình và phê bình chưa đảm bảo tính đảng, tính giáo dục, tính khách quan, trung thực, chân thành và công khai. Đặc biệt là chưa thực sự mở rộng dân chủ và chưa xuất phát từ tình đồng chí, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.

Từ thực tiễn đó, để công tác tự phê bình và phê bình trở thành công việc thường xuyên của các cấp ủy đảng, của từng cán bộ, đảng viên cần phải thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình đối với sự tiến bộ của mỗi người và tổ chức đảng để tự giác, thường xuyên, nghiêm chỉnh thực hiện.

Thứ hai, tăng cường mở rộng dân chủ trong Đảng, đẩy mạnh việc học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ học vấn và chuyên môn, nghiệp vụ. Thực hiện tốt dân chủ nội bộ Đảng để nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình phải đi liền với việc tăng cường sự lãnh đạo tập trung, giữ nghiêm kỷ luật. Thực hiện nghiêm chế độ, quy định về tự phê bình và phê bình của cán bộ chủ chốt và cán bộ cấp trên, đưa tự phê bình và phê bình thành nền nếp thường xuyên. Cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu tự phê bình và tiếp thu phê bình. Cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt nếu có khuyết điểm, sau khi tự phê bình và được cấp dưới phê bình cần định thời gian khắc phục.

Thứ  ba, việc tổ chức tự phê bình và phê bình trong Đảng phải đảm bảo tính đảng, tính giáo dục, khách quan, trung thực, kịp thời; phải xác định đúng nội dung, lựa chọn đúng hình thức, phương pháp thực hiện, đặc biệt phải có tình đồng chí, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.Cần có sự kết hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình trong Đảng với phê bình của nhân dân.

Thứ tư, cần có sự kết hợp tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm sau khi tự phê bình và phê bình. Tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra của cấp trên để tự phê bình và phê bình đạt chất lượng, nhất là đối với những tổ chức đảng yếu kém, nội bộ có nhiều vấn đề phức tạp. Xuân Ngọc - Trường Chính trị Lê Duẩn

7583 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 881
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 881
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87190439