Sử dụng cán bộ có thể hiểu là việc lựa chọn (tuyển chọn), bố trí và bổ nhiệm cán bộ hoặc giới thiệu cán bộ ứng cử.
Sử dụng cán bộ liên quan đến hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và của cả hệ thống chính trị, liên quan và quyết định đến chất lượng, hiệu quả thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của cả tổ chức đảng, chính quyền ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Vì vậy, cần tìm cán bộ có bản lĩnh, có phẩm chất đạo đức và năng lực đó là điều then chốt. V.I.Lênin đã chỉ rõ: “nghiên cứu con người, tìm những cán bộ có bản lĩnh, Hiện nay đó là then chốt; nếu không thế thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ là mớ giấy lộn; những cán bộ biết “biến các sắc luật của chúng ta từ trạng thái là giấy lộn đầy bụi bặm (hoàn toàn không khác gì vậy, cả các sắc luật tồi cũng như sắc luật hay) thành thực tiễn sống động”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn, trong công tác cán bộ phải “khéo dùng người”, phải dùng đúng người, đúng việc, đúng năng lực, sở trường, làm cho cán bộ vui vẻ, thoải mái, yên tâm công tác và hăng hái thi đua cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp cách mạng. Dùng người là cả một khoa học và nghệ thuật, nếu bố trí đúng sẽ phát huy mặt mạnh của cán bộ, thúc đẩy phong trào và còn hạn chế được mặt yếu, mặt dỡ của họ. Vì vậy, Người đã chỉ rõ: “Biết người, cố nhiên là khó. Tự biết mình, cũng không phải là dễ”. Đảng Cộng sản Việt Nam đã quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về sử dụng cán bộ trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, các văn bản có liên quan đến công tác cán bộ ngày càng được quan tâm xây dựng và thực thi. Các quy chế, cơ chế, quy định, quy trình về công tác cán bộ nói chung và sử dụng cán bộ ngày càng được hoàn thiện. Đó là Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã nêu rõ yêu cầu: “Việc bố trí và sử dụng phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn phù hợp với sở trường. Đề bạt cán bộ phải đúng lúc, đúng người, đúng việc. Có chính sách đoàn kết, tập hợp rộng rãi các loại cán bộ, trọng dụng những người có đức, có tài trong Đảng và ngoài Đảng, người ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Phát hiện, lựa chọn và giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn trong các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế tham gia các tổ chức chính trị, xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để đóng góp vào công việc chung của đất nước”. Ngoài ra, Đảng ta đã ban hành nghiều nghị quyết, kết luận về công tác cán bộ như: Kết luận số 37-KL/TW Hội nghị Trung ương 9 khóa X tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, ngày 16-01-2012 về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25-01-2002 của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quyết định số 67-QĐ/TW, ngày 04-7-2007 của Bộ Chính trị ban hành Quy định về phân cấp quản lý cán bộ, Quy định số 165-QĐ/TW, ngày 18-2-2013 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị -xã hội; Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI, ngày 05-6-2012 về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW, ngày 26-9-2007, thực hiện Quy định về phân cấp quản lý cán bộ, Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử.
Sau gần 35 năm đổi mới, công tác cán bộ đã có những chuyển biến quan trọng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng và cơ cấu, trong đó có việc sử dụng, bố trí cán bộ. Đã có bước đổi mới trong đánh giá cán bộ, gắn kết quả đánh giá với bố trí và sử dụng cán bộ, trong đó lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ để đánh giá, làm căn cứ, cơ sở cho bố trí và sử dụng cán bộ. Việc bố trí, sử dụng cán bộ về cơ bản căn cứ, dựa vào chuyên môn được đào tạo, đặc biệt là các chức danh chuyên môn của cơ quan nhà nước, các tập đoàn kinh tế. Việc bố trí cán bộ, sử dụng cán bộ đã cơ bản dựa vào tiêu chuẩn, phù hợp với năng lực, đã có nhiều đổi mới trong công tác đề bạt cán bộ. Số cán bộ trẻ có năng lực được quan tâm, cất nhắc, đề bạt, vì vậy, nhiều cán bộ đã tự giác rèn luyện, phấn đấu học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Trong công tác bố trí, sử dụng cán bộ có sự phân cấp mạnh mẽ. Các cấp có thẩm quyền đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý cán bộ sáng tạo, hiệu lực và hiệu quả. Tất cả các cấp ủy đảng đều xây dựng, ban hành và thực hiện nghiêm túc quy chế công tác cán bộ. Theo đó, quyền và trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy được phân biệt rõ hơn và công tác cán bộ đi vào nền nếp hơn. Bên cạnh đó, công tác tổ chức thi tuyển cán bộ ở nhiều nơi đã góp phần khắc phục tình trạng khép kín trong công tác cán bộ, tạo cơ hội cho cán bộ trẻ có năng lực thể hiện tài năng.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày càng đi vào nền nếp đã góp phần tạo nguồn khá ổn định cho việc sử dụng cán bộ. Cấp ủy đảng các cấp đã thực hiện quy hoạch cán bộ, đào tạo lý luận chính trị về cao cấp, trung cấp, sơ cấp theo Quy định số 54-QĐ/TW, ngày 12-5-1999 của Bộ Chính trị về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng; tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đối với nhiều chức danh cán bộ, đảng viên và nhân dân đều nhận xét, biểu thị sự tín nhiệm sớm. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ngày càng được coi trọng và phát huy tốt tác dụng cảnh báo, răn đe những cán bộ vi phạm pháp luật, lợi dụng chức vụ để tham nhũng
Tuy nhiên hiện nay, do đánh giá cán bộ hiện còn những hạn chế nhất định nên sử dụng cán bộ có lúc còn không đúng. Việc đánh giá thiếu khoa học và chưa thực chất. Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức chất lượng chưa cao, có nơi còn xảy ra tiêu cực. Chủ trương thu hút nhân tài chậm được cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách phù hợp; kết quả thu hút trí thức trẻ và người có trình độ cao chưa đạt yêu cầu. Chính sách cán bộ giữa các cấp, các ngành có mặt còn thiếu thống nhất. Việc kiểm tra, giám sát thiếu chủ động, chưa thường xuyên, còn nặng về kiểm tra, xử lý vi phạm, thiếu giải pháp hiệu quả để phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm.Vì vậy, để sử dụng cán bộ mang lại hiệu quả, thời gian tới các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ:
Một là, muốn sử dụng cán bộ hiệu quả, trước hết phải đánh giá chính xác cán bộ. Đánh giá cán bộ có vai trò quan trọng, được xem là khâu mở đầu mang tính quyết định trong công tác cán bộ. Đánh giá đúng sẽ là cơ sở tốt cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, thực hiện chính sách cán bộ chính xác, phù hợp, giúp phát huy được điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của người cán bộ.
Hai là, gắn chặt sử dụng cán bộ gắn với đổi mới đồng bộ các khâu khác trong công tác cán bộ; đặc biệt là khâu quản lý, đánh giá và kiểm tra, giám sát hoạt động cán bộ.
Ba là, cần có sự kết hợp chặt chẽ phân cấp quản lý cán bộ với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan đơn vị cấp dưới trong sử dụng cán bộ.
Bốn là, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ, chặt chẽ hệ thống các quy chế, quy định về công tác cán bộ. Có cơ chế, chính sách động viên kịp thời và tôn trọng tính tích cực, sự sáng tạo, say mê làm việc của cán bộ. Đồng thời, có chế tài cụ thể để xử lý sai phạm. Bố trí, bổ nhiệm, phân công công tác đối với cán bộ phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng năng lực, sở trường. Hải Nam