Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường 

(ĐCSVN) – Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, sau 2 năm triển khai kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, toàn ngành đã có những bước đi đúng hướng, giải quyết nhiều vấn đề trọng tâm và đạt được những thành tựu nhất định.

Ngày 20/8, tại tỉnh Bình Định, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị giao ban công tác quản lý tài nguyên và môi trường các tỉnh khu vực phía Nam. Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá kết quả công tác giai đoạn 2016 - 2018; lắng nghe ý kiến phản hồi của các địa phương; đồng thời, hiến kế hoàn thiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Khương Trung

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngay từ khi bắt đầu triển khai kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, ngành TN&MT đã đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn cần phải giải quyết như: Hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên, lũ lụt sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc; sự cố môi trường biển liên quan đến công ty Formosa Hà Tĩnh; lãng phí đất đai xảy ra ở hầu hết các địa phương; khiếu kiện về đất đai rất phức tạp; vấn đề suy kiệt, ô nhiễm nguồn nước xảy ra ở nhiều nơi; tài nguyên khoáng sản chưa sử dụng hiệu quả, tài nguyên biển chưa được khai thác cho phát triển... Những điều này đã đặt ra thách thức rất lớn đối với Đảng, Chính phủ và Bộ TN&MT.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm, đồng lòng, toàn ngành đã có những bước đi đúng hướng, giải quyết nhiều vấn đề trọng tâm và đạt được những thành tựu nhất định. Đặc biệt, với những vấn đề "nóng" của ngành tại các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh với sự phối hợp của Bộ với các UBND tỉnh, thành phố, Sở TN&MT địa phương đã giải quyết được những vướng mắc và khó khăn trong thời gian qua.

Trong lĩnh vực đất đai, đã giải quyết từng bước vấn đề lãng phí đất đai nhất là ở khu vực đô thị, ven biển; các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã tập trung chỉ đạo giải quyết vấn đề đất đai của các nông, lâm trường; một số địa phương đã có mô hình phù hợp tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp; cả nước đã thực hiện cấp lần đầu gần 4 triệu Giấy chứng nhận (GCN)  mới, trong đó các địa phương khu vực phía Nam đạt 97%; tỷ lệ phản ánh có "bôi trơn" sổ đỏ giảm 27% trong 2 năm 2016, 2017; đóng góp từ đất đai cho phát triển kinh tế -  xã hội ngày càng tăng.

Trong lĩnh vực môi trường, đã cơ bản kiểm soát các dự án lớn, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như: khu xử lý tác Đa Phước, Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam, Alumina Nhân Cơ, Bauxite - Nhôm Lâm Đồng, Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất; số lượng các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 71%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn tăng dần qua từng năm, đến nay lượng chất thải công nghiệp được xử lý đạt trên 90% khối lượng phát sinh; tỷ lệ chất  thải rắn sinh hoạt xử lý đạt 85,5% ở đô thị và khoảng 50% ở nông thôn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trăn trở và xác đáng của các địa phương khu vực phía Nam về các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách; giải quyết vướng mắc. Bộ trưởng đánh giá cao hơn 400 ý kiến được gửi đến Bộ và mong muốn tiếp tục có sự trao đổi thường xuyên hơn nữa giữa các Sở Tài nguyên và Môi trường và Bộ. Bộ trưởng cho biết, các ý kiến này đã được giao cho các đơn vị nghiên cứu giải quyết; sau Hội nghị này sẽ biên tập thành Bộ tài liệu hướng dẫn để các địa phương thống nhất thực hiện.

Theo Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, với những thuận lợi về vị trí chiến lược trong kết nối giao thông, điều kiện tự nhiên, lịch sử văn hóa và những danh lam thắng cảnh, trong những năm gần đây, Bình Định đã và đang phát triển thành cực tăng trưởng phía Nam của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong đó, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 6,63%; lượng du khách du lịch đến tỉnh đạt hơn 2,1 triệu người tăng 10,7% so với cùng kỳ, trong đó khách du lịch quốc tế tăng 13,6%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện gần 4000 tỷ dồng đạt 58,5% dự toán năm.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra nhanh đã gây áp lực đáng kể đến công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian qua, tỉnh Bình Định cũng đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý tài nguyên và môi trường; đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng mang tính chiến lược lâu dài để triển khai công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản... đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức về quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng cho biết đây là cơ hội để các tỉnh trong khu vực nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường; đồng thời, cũng là dịp để các địa phương trao đổi kinh nghiệm và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường để có những giải pháp tốt nhất trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường ở các địa phương đạt hiệu quả hơn trong thời gian tiếp theo./.

Bích Liên

465 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1393
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1393
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87108342