Những năm gần đây, tình hình an ninh chính trị, kinh tế - xã hội thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, chịu tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong bối cảnh toàn đảng, toàn quân, toàn dân đang tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội vẫn gia tăng hoạt động chống phá, thực hiện các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật, tạo nên nhiều nguy cơ gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự; hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy có xu hướng diễn biến phức tạp, đặt ra những thách thức lớn cho công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã xác định để giữ vững tình hình ANTT, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, điều kiện tiên quyết chính là phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân thông qua công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với vai trò tham mưu, thực hiện nòng cốt của lực lượng Công an. Trên cơ sở đó, trong những năm qua, tất cả các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng đã tích cực triển khai thực hiện, phối kết hợp chặt chẽ để làm tốt công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ, đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh; triển khai quyết liệt, đồng bộ các kế hoạch, giải pháp đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động xâm phạm ANQG, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của tỉnh; trấn áp mạnh các loại tội phạm; thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT, xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp nảy sinh, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân được đẩy mạnh và đổi mới, đa dạng hóa cả về nội dung, hình thức, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và công tác đảm bảo ANTT. Công tác tuyên truyền đã được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục, kịp thời; nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, đối tượng, tầng lớp dân cư; chuyển đổi linh hoạt giữa các hình thức tuyên truyền, vận động rộng rãi, tập trung, cá biệt, giữa các hình thức truyền thống và các hình thức sáng tạo mới, nhất là trong các giai đoạn thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, đấu tranh, phản bác trên không gian mạng: Công an tỉnh phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông gửi 327.000 tin nhắn SMS đến các thuê bao di động với nội dung kêu gọi toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy (thực hiện Kế hoạch 71/KH-UBND của UBND tỉnh)... Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, phát thanh-truyền hình, báo giấy, báo điện tử, Công an tỉnh phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị thực hiện phát sóng 59 số chuyên mục “An ninh Quảng Trị” trên kênh QRTV; Công an tỉnh phát hành Bản tin An ninh-Trật tự với tần suất 01 số/01 tháng, mỗi số 1.500 bản với hàng trăm tin bài, ảnh với nội dung phong phú, đa dạng, đổi mới…Phát huy hiệu quả các hình thức tuyên truyền truyền thống như treo băng rôn, khẩu ngữ, pano, áp phích, phát tờ rơi, điển hình, Công an tỉnh phát hành 10.000 Thư kêu gọi của Giám đốc Công an tỉnh vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy; phát hành, cung cấp cho Nhân dân 4.000 Phiếu báo tin, tố giác tội phạm...Tổ chức 2.720 lượt tuyên truyền, vận động tập trung, phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, kết hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thu hút khoảng 226.881 lượt người tham dự; tiến hành gọi hỏi, răn đe, giáo dục 9.867 lượt đối tượng thuộc diện quản lý; thông qua các buổi họp dân, phát động phong trào tại các khu dân cư, đã tiến hành đưa 892 đối tượng ra kiểm điểm trước dân. Qua đó, lực lượng Công an đã tiếp nhận được 6.907 nguồn tin liên quan đến ANTT từ quần chúng nhân dân, trong đó có 3.823 tin có giá trị, góp phần phục vụ hiệu quả cho công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn. Tại các địa bàn miền núi, biên giới, vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng Công an đã tăng cường bám sát cơ sở, thực hiện tốt công tác tranh thủ già làng, trưởng bản, người có uy tín; chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, vận động đồng bào theo tôn giáo tích cực tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, điển hình như: Tổ chức Lễ phát động phong trào “Phật giáo huyện Hướng Hoá tham gia đảm bảo an ninh, trật tự và xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị”; tổ chức Hội nghị gặp mặt, biểu dương người có uy tín trên địa bàn huyện Đakrông…
Chú trọng xây dựng các mô hình tổ chức quần chúng tự quản về an ninh, trật tự gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, được duy trì, củng cố và nhân rộng. Từ năm 2019 đến nay, lực lượng Công an đã hướng dẫn, xây dựng mới 498 mô hình, đưa tổng số mô hình trên địa bàn toàn tỉnh lên 664 mô hình; thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng hoạt động của các mô hình trên địa bàn nhằm lựa chọn những mô hình hoạt động hiệu quả để nhân rộng, như: Mô hình “Camera an ninh” tại thị xã Quảng Trị, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa; mô hình “Tái hòa nhập cộng đồng” tại Triệu Phong, Đông Hà; mô hình “3 quản” tại huyện Đakrông; mô hình “Tổ công nhân vì môi trường xanh, tự quản về an ninh trật tự” tại Đông Hà, Vĩnh Linh, thị xã Quảng Trị; mô hình "Nhà trường tích cực phòng, chống ma túy và bạo lực học đường" tại Cam Lộ; mô hình “Trường học văn minh, thân thiện, không tệ nạn xã hội” tại Triệu Phong; đồng thời, thanh loại 51 mô hình hoạt động mang tính hình thức, không hiệu quả. Trong năm 2021, có 03 mô hình được Cục V05 và Cục C11, Bộ Công an đánh giá là những mô hình tiêu biểu, hiệu quả, thiết thực và đang được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh: “Hội Cựu Chiến binh tham gia quản lý, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng”; “Mặt trận thị trấn Gio Linh với công tác hòa nhập cộng đồng”; “Phật giáo Đông Hà tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng văn minh đô thị”.
Việc tăng cường các lực lượng tham gia củng cố, chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự gắn với giúp đỡ địa phương xây dựng nông thôn mới được chú trọng thực hiện. Theo đó, tăng cường công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã tại 100% xã, phường, thị trấn; duy trì hoạt động của các tổ an ninh nhân dân, tổ hòa giải, tổ liên gia tự quản và người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Từng bước nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng an ninh ở cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm - tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” các cấp được tăng cường. Công tác phối hợp giữa lực lượng công an với lực lượng quân đội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được duy trì, mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng; giải quyết kịp thời, hiệu quả các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự. Việc tổ chức Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được chỉ đạo triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân tham gia, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Tỉnh còn phát động các phong trào thi đua về bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng và củng cố quốc phòng - an ninh vững chắc. Có thể nói, kết quả từ phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, khơi dậy và phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng vững mạnh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Từ thực tiễn triển khai phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với các yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Đảng bộ tỉnh rút ra một số kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo như sau:
Thứ nhất, cần xác định rõ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó, lực lượng Công an giữ vai trò tham mưu nòng cốt và Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên là nền tảng.
Thứ hai, công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực tiễn cho thấy, sức mạnh của nhân dân là rất lớn, nhưng sức mạnh đó chỉ được phát huy khi được tổ chức thành phong trào, hành động cụ thể. Để phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đạt được hiệu quả cao không thể tách rời sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đó, tạo sự thống nhất và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Vì thế, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng công an phải luôn quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào này, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào sát đúng với tình hình thực tế; xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Thứ ba, phát huy có hiệu quả vai trò của các cơ quan báo chí - truyền thông; chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác vận động nhân dân trong triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Công tác tuyên truyền, vận động phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để nâng cao ý thức của mỗi người, mỗi gia đình, khu dân cư và cả cộng đồng. Các hoạt động của phong trào phải mang tính thiết thực, được lồng ghép với các cuộc vận động và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tập trung xây dựng mô hình tự phòng, tự quản, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, xây dựng thôn, xã, cơ quan, đơn vị an toàn về an ninh, trật tự, tổ chức tốt Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Coi trọng và làm tốt việc xây dựng các mô hình mới, nhân rộng các mô hình này theo hướng “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải”; tổ chức ký cam kết xây dựng khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về an ninh, trật tự; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”; làm tốt công tác tổng kết, kịp thời động viên, khen thưởng những điển hình tiên tiến trong phong trào.
Thứ tư, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc trên cơ sở phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ hội nhập quốc tế. Tập trung xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, coi đây là nhân tố quyết định để xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Việc xây dựng phong trào được tiến hành trên nhiều lĩnh vực, địa bàn, với nhiều đối tượng khác nhau, do đó, lực lượng chuyên trách và lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phải có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ nhất định. Mặt khác, âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải không ngừng củng cố, xây dựng lực lượng chuyên trách và lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Mỗi cá nhân trong đội ngũ này phải thường xuyên tự rèn luyện, tự phấn đấu, học hỏi nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm, những cách làm hay để vận dụng vào thực tiễn công tác; luôn nêu cao tinh thần khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực trong công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đồng bào các dân tộc thiểu số, phức tạp về an ninh, trật tự, cần lựa chọn, bố trí cán bộ công an chính quy có năng lực, trình độ giữ chức danh trưởng, phó trưởng công an xã; đồng thời, thu hút những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Lực lượng công an các cấp, nhất là cấp xã, phải làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình để tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời xử lý các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự.
Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; kết hợp chặt chẽ giữa vận động nhân dân với tổ chức tấn công trấn áp tội phạm. Khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân, các vụ khiếu kiện ngay từ cơ sở, gắn với chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thứ sáu, lực lượng công an các cấp, nhất là cấp xã, phải làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình để tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời xử lý các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự. Tập trung xây dựng mô hình tự phòng, tự quản, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, xây dựng thôn, xã, cơ quan, đơn vị an toàn về an ninh, trật tự, tổ chức tốt Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; làm tốt công tác đánh giá, phân loại phong trào và công tác thi đua, khen thưởng. Chú trọng công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác xây dựng phong trào trong thời gian tiếp theo./. Hải Yến