Doanh nghiệp mong muốn quy về một mối trong KTCN đối với hàng hóa XNK (Ảnh: K.D)

Phát biểu tại hội nghị, đa số doanh nghiệp đều cho rằng, mặc dù đã có những cải tiến mạnh mẽ về thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, song doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa. Nguyên nhân chủ yếu do trở ngại từ thủ tục kiểm tra hàng hóa chuyên ngành. Đây cũng được coi là một trong những “nút thắt” trong cảnh cách thủ tục hành chính, theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP. Trong khi thủ tục hải quan chỉ chiếm 28% thời gian thông quan hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 72% và làm tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Số liệu của Tổng Cục hải quan cũng cho thấy, hiện nay tỉ lệ lo hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan còn rất cao (khoảng 30%), trong khi tỷ lệ không đạt yêu cầu rất thấp, chỉ dưới 1%. Nghị quyết 19/NQ-CP đã yêu cầu “giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30-35% xuống còn 15% vào năm 2016”. Tuy nhiên, mục tiêu này đến nay chưa đạt được.

Để nâng cao hiệu quả quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đại diện cho phía doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch, kiểm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, cần sớm quy về một đầu mối... Ông Quốc Anh chỉ ra rằng: "Thực tế hiện nay doanh nghiệp đang phải làm việc với 3,4 đầu mối với hồ sơ như nhau, thủ tục cũng vậy, mất rất nhiều thời gian. Cụ thể như với ngành thép, có rất nhiều Bộ quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Khoa học công nghệ khiến sản phẩm phải để kho rất lâu trước khi hoàn thành các thủ tục. Ngoài ra, theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thanh kiểm tra các doanh nghiệp làm sao hoàn thiện sớm thủ tục kiểm tra doanh nghiệp không quá một lần/năm mà nên tập trung vào vấn đề hậu kiểm để tránh mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu".

Chia sẻ với doanh nghiệp, ông Ngô Minh Hải – Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng Cục Hải quan  cũng nhận định, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy chúng ta cũng cần đổi mới căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành như: kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan có trọng tâm, trọng điểm, tại thời điểm phù hợp; xây dựng và hoàn thiện bộ máy kiểm tra chuyên ngành đáp ứng với yêu cầu thực tiễn; Phát triển hệ thống kho, bãi bảo quản hàng hóa tại cửa khẩu; Công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra hàng hóa; Ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi dữ liệu điện tử về kết quả kiểm tra chuyên ngành. 

Đồng thời, các cơ quan liên ngành cũng phải tăng cường nguồn lực thực hiện hoạt động quản lý chuyên ngành như đầu tư trang thiết bị, phương tiện kiểm tra chuyên ngành hiện đại, điều kiện làm việc và nguồn nhân lực. Đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, tổ chức, đơn vị liên quan. Tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động quản lý chuyên ngành – ông Ngô Minh Hải nhấn mạnh.

 

Kim Dung