Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 – 2030 

Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia, có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với trên 224 nước, vùng lãnh thổ, ký 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 đối tác, đã có 71 đối tác công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

Các thành tựu đạt được trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, nổi bật là kinh tế tăng trưởng từng bước vững chắc và ngày càng được cải thiện, quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao, an sinh xã hội được chăm lo, đảm bảo hơn. Cán cân xuất, nhập khẩu hàng hoá được cải thiện rõ rệt, chuyển từ thâm hụt sang thặng dư, thị trường xuất khẩu được mở rộng và đa dạng. Các thị trường mà Việt Nam có ký kết các FTA thế hệ mới đều ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng hàng năm. Sự gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua hội nhập kinh tế quốc tế cũng đang là một động lực chính cho phát triển kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh những thành quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP của Chính phủ cũng cho thấy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế còn một số tồn tại, hạn chế. Nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP, ngày 05/7/2023 nêu rõ các nhóm giải pháp sau:

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ, tương thích với các nghĩa vụ và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt với các FTA thế hệ mới theo lộ trình đã đề ra. Hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm thực hiện được các mục tiêu cải cách trong nước và tiến tới xây dựng hệ thống pháp luật với các quy định hiện đại, tiến bộ; tạo cơ sở cho việc triển khai các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, dịch vụ ngân hàng số, công nghệ tài chính (fintech). Triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính. Xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát của các lĩnh vực kinh tế - xã hội áp dụng các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới/tích hợp để có chính sách quản lý phát triển kịp thời và phù hợp nhằm thúc đẩy kinh tế số, sáng tạo, khởi nghiệp.

Thúc đẩy cơ chế phối hợp giữa các cơ quan bộ, ngành. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp nhằm ứng phó và xử lý kịp thời, hiệu quả các diễn biến bất lợi trong thương mại - đầu tư quốc tế có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân về hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung.

Nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh mang đến sự ổn định và dễ dự đoán của chính sách. Phân định trách nhiệm rõ ràng đối với các cơ quan, đơn vị chủ trì để doanh nghiệp và người dân biết, giám sát chặt chẽ việc triển khai. Thực hiện thực chất, hiệu quả các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển ổn định, tăng năng suất, chất lượng, tạo nền tảng, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Tiếp tục xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển các sản phẩm, ngành hàng cụ thể gắn kết với chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu có chiều sâu, hiệu quả và bền vững; thực hiện tốt công tác cảnh báo sớm về các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời tận dụng tốt các quy định quốc tế về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, đăng ký bản quyền, thương hiệu, thúc đẩy áp dụng các giải pháp về mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam trong thương mại quốc tế. Tích cực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, xây dựng thương hiệu; phát triển thương mại điện tử để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường. Cập nhật đầy đủ, kịp thời các dữ liệu liên quan tới dịch vụ công; chú trọng các dịch vụ công thiết thực đối với người dân, cung cấp hạ tầng cho thúc đẩy kinh doanh thương mại điện tử.

Rà soát, khắc phục sự chồng chéo giữa các bộ, ngành trong việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy hiệu quả vai trò của cơ quan chủ trì trong việc thực thi các cam kết FTA; xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên trong việc xây dựng và triển khai các chiến lược, đề án, chương trình hành động phát triển kinh tế,... có liên quan và tác động đến nhiều bộ, ngành và địa phương. Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành; phát huy hiệu quả cơ chế tham vấn giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong quá trình đề xuất, lựa chọn đối tác và xây dựng phương án đàm phán các FTA mới cũng như trong việc tháo gỡ những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu; ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng xuất khẩu.

Đẩy mạnh nghiên cứu, cảnh báo, phổ biến các biện pháp kỹ thuật của các nước cho các doanh nghiệp trong nước và các cơ quan quản lý liên quan để chủ động đối phó với các rào cản kỹ thuật. Tiếp tục thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết trong các FTA; nghiên cứu, đề xuất phương án đàm phán các FTA mới cũng như nâng cấp một số FTA đã ký kết; nghiên cứu và tập trung triển khai có hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là kế hoạch thực thi các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP, tăng cường tận dụng ưu đãi trong các FTA để thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu cho các ngành hàng và doanh nghiệp; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách để phát triển nguồn nguyên liệu trong nước giúp doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng tốt hơn các cơ hội mang lại từ các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.

Tăng cường nghiên cứu, tìm hiểu các xu thế phát triển, các sáng kiến mới, chính sách và kinh nghiệm của các quốc gia trong quá trình hội nhập, đặc biệt là các quốc gia đang thực thi hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế. Mở rộng và dần đi vào chiều sâu các hoạt động hội nhập trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng; khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên, nghiên cứu liên ngành, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường chất lượng; chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ trong nước,... để phục vụ có hiệu quả hơn cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trí Ánh (tổng hợp)

1482 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 947
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 947
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87201468