Nâng cao hiệu quả hoạt động, vị thế của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài 

(ĐCSVN)- Chiều 26/10, tiếp tục chương trình kỳ 4, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt Luật Cơ quan đại diện - Luật CQĐD).

 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi,

bổ sung một số điều của Luật CQĐD nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Tờ trình, Luật CQĐD gồm 6 chương, 36 điều được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18/6/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 02/9/2009. Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 07 năm thi hành Luật, đã phát sinh yêu cầu sửa đổi, bổ sung đối với một số điều khoản của Luật.

Cụ thể, Luật chưa thể chế hóa quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về quy trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền (khoản 12 Điều 74 và khoản 6 Điều 88 Hiến pháp). Luật chưa quy định các tiêu chuẩn bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền, phục vụ việc xem xét bổ nhiệm, qua đó lựa chọn được các cán bộ có năng lực, đóng góp hiệu quả cho công tác đối ngoại.

Trong thời gian qua, các chế độ dành cho thành viên CQĐD và thành viên gia đình tuy đã được cải thiện so với trước, nhưng chủ yếu chỉ bảo đảm sinh hoạt tối thiểu. Để tạo điều kiện cho cán bộ yên tâm công tác, cần bổ sung một số chế độ đối với thành viên CQĐD và thành viên gia đình trên cơ sở cân đối ngân sách. Một số quy định của Luật CQĐD không còn tương thích với pháp luật hiện hành, không phù hợp với tình hình thực tế... Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CQĐD là cần thiết.

Dự án Luật được xây dựng trên quan điểm bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại. Kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật CQĐD, xác định các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, bảo đảm phù hợp với các luật chuyên ngành có liên quan, khắc phục các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CQĐD nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày, đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CQĐD và nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung nhằm quán triệt và triển khai thực hiện định hướng chiến lược của Đảng tại Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” và cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm tính thống nhất với các luật mới được ban hành có liên quan; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn mới.

Về kinh phí hoạt động thường xuyên cho Bộ Ngoại giao để phân bổ cho CQĐD, trừ kinh phí dành cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh và thương mại theo quy định của Chính phủ, có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất là thống nhất với quy định tại dự thảo Luật để tạo sự chủ động và xử lý kịp thời trong quá trình triển khai các hoạt động cụ thể mang tính đặc thù của lĩnh vực quốc phòng, an ninh và thương mại.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị việc quản lý kinh phí hoạt động thường xuyên cần tập trung thống nhất một đầu mối cho CQĐD nhằm quản lý chặt chẽ và giám sát hiệu quả việc sử dụng kinh phí, đồng thời cập nhật tiến độ sử dụng kinh phí và tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Về tiêu chuẩn của thành viên cơ quan đại diện và tiêu chuẩn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với quy định tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu cho rằng, thành viên CQĐD và Đại sứ khi đã là cán bộ, công chức, viên chức thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của ngạch đó theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Vì vậy, dự thảo Luật chỉ nên quy định thêm những tiêu chuẩn đặc thù đối với thành viên CQĐD và Đại sứ.

Sau khi nghe các báo cáo nêu trên trong phiên họp toàn thể tại hội trường, Quốc hội đã thảo luận tổ về dự án Luật này./.

Mỹ Anh

664 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1138
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1138
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87140048