Nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến đóng góp, phản ánh của Nhân dân, kịp thời phát hiện những vấn đề vướng mắc, phát sinh để giải quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 629-QĐ/TU, ngày 20/6/2017 về ban hành Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu các cấp ủy Đảng với cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 03 năm triển khai thực hiện, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên đã có những chuyển biến tích cực; chủ động, sâu sát hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức đối thoại định kỳ và tăng cường đối thoại đột xuất khi có những vấn đề mà người dân quan tâm. Nội dung các cuộc tiếp xúc, đối thoại được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực như: Công tác xây dựng Đảng, chính quyền; nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; văn hóa, giáo dục, y tế; an ninh và trật tự an toàn xã hội; chế độ chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đa số các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đã được người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp trả lời hoặc chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng trả lời, giải quyết làm rõ tại hội nghị.
Thông qua hoạt động tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân đã tạo môi trường dân chủ, cởi mở, thẳng thắn giữa Nhân dân với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; Nhân dân tin tưởng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị, đề xuất với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhiều cách làm hay, hiệu quả, giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền kịp thời giải quyết các bức xúc, nhu cầu chính đáng của Nhân dân, từ đó niềm tin của Nhân dân với Đảng được nâng lên, người dân hiểu rõ và chấp hành tốt hơn các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hằng năm, các cấp ủy, chính quyền chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn những vấn đề Nhân dân còn nhiều băn khoăn, bức xúc để tiến hành tiếp xúc, đối thoại giải quyết. Hoạt động tiếp xúc, đối thoại được thực hiện thống nhất, đồng bộ, khoa học và ngày càng đi vào nền nếp. Nhờ làm tốt công tác đối thoại, đã giúp cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nắm chắc thông tin từ cơ sở, trực tiếp giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của người dân trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc của người dân; đồng thời, giải thích để người dân hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, chia sẻ của Nhân dân, nhất là trong quá trình triển khai các chương trình, dự án, từ đó củng cố niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân ở một số địa phương cơ sở chưa đạt hiệu quả như mong muốn; tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của người dân, trong đó có những vấn đề bức xúc chưa được cấp có thẩm quyền quan tâm giải quyết triệt để, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp, cá biệt có nơi trở thành các điểm nổi cộm, phức tạp. Việc kết luận hội nghị có khi còn chung chung, chưa rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và thời gian giải quyết các kiến nghị chính đáng của Nhân dân.
Vì vậy, để tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe và giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của Nhân dân ngay từ cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và của nhân dân về tầm quan trọng của hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, chú trọng phát huy dân chủ theo phương châm “gần dân, sát dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân”. Đồng thời, phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và của mọi người dân trong công tác tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân trên địa bàn.
Hai là, tiếp xúc, đối thoại phải trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị, xây dựng, trách nhiệm, nghiêm túc tiếp thu và giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, Nhân dân quan tâm. Cần chú ý phát huy vai trò của người chủ trì hội nghị đối thoại; cần dẫn dắt, gợi mở các vấn đề cấp ủy đảng, chính quyền đang tập trung chỉ đạo, những vấn đề Nhân dân quan tâm, tạo môi trường tâm lý thuận lợi cho các đại biểu dự hội nghị đối thoại, sẵn sàng lắng nghe những ý kiến trái chiều.
Ba là, phát huy vai trò của các ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện việc phối hợp nắm bắt tình hình Nhân dân, dư luận xã hội, những vấn đề bức xúc, phức tạp để tập hợp, tham mưu, đề xuất phương án, biện pháp, giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chủ động trong quá trình tổ chức hội nghị. Tăng cường giám sát thực hiện đối thoại, nhất là việc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp sau đối thoại. Quan tâm làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhân rộng cách làm hay, kinh nghiệm tốt để tổ chức hoạt động đối thoại ngày càng hiệu quả thiết thực. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy chế đối thoại. Xuân Ngọc