Hội nghị Sơ kết công tác PCTN, THTK, CLP của Công an tỉnh 06 tháng đầu năm 2021 (Ảnh: Trần Khôi)
Sau hơn 02 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/11/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019) và 07 năm thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 26/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014); công tác PCTN, THTK, CLP trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Lãnh đạo các cấp đã ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí trong nội bộ và ngoài xã hội. Các vụ việc liên quan đến tham nhũng và tình trạng lãng phí có chiều hướng giảm; xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong cán bộ, đảng viên, được lãnh đạo các cấp và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Kết quả đó đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PCTN, THTK, CLP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, hiệu quả chưa cao. Tình trạng “tham nhũng vặt”, tiêu cực, lãng phí, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn xảy ra ở số lĩnh vực, tại một số đơn vị; gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên, tạo dư luận xấu trong xã hội. Cấp ủy, lãnh đạo và một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, sắc về tầm quan trọng của công tác PCTN, THTK, CLP. Lãnh đạo một số đơn vị, địa phương còn biểu hiện thiếu kiên quyết, chưa sâu sát hoăc thiếu những biện pháp cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, THTK, CLP. Công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Công tác đấu tranh tự phê và phê bình trong phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí còn nể nang, né tránh.
Để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, THTK, CLP trên địa bàn tỉnh thời gian tới, ngoài việc chủ động, tích cực đấu tranh tội phạm tham nhũng ngoài xã hội, lãnh đạo chính quyền các cấp và các cơ quan, ban, ngành cần chú trọng, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết tố cáo, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong nội bộ, cụ thể:
1. Cấp ủy đảng, lãnh đạo các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng, nhiệm vụ; nội dung thanh tra phải có trọng điểm, trọng tâm và thường xuyên đổi mới. Song song với việc triển khai kế hoạch thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng hàng năm, cần chú trọng và nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra đột xuất tại những lĩnh vực, công tác nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, có dấu hiệu sai phạm. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng, chống tham nhũng; đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.
2. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy các cấp; tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; giải quyết kịp thời tố cáo và tiến hành kiểm tra đối với đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm có liên quan đến tham nhũng và công khai kết quả xử lý tổ chức, cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng.
3. Các cơ quan, ban, ngành tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời tin phản ánh về hiện tượng tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức qua các kênh thông tin (đường dây điện thoại nóng, hộp thư góp ý, hộp thư điện tử…). Kịp thời xác minh, kiểm tra đột xuất hoặc thanh tra đặc biệt đối với tin có cơ sở xác minh, địa bàn, lĩnh vực có nhiều thông tin phản ánh.
4. Các đơn vị nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xác minh, giải quyết, kết luận nội dung tố cáo tham nhũng trong nội bộ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Bảo vệ, khen thưởng các trường hợp tố cáo hành vi tham nhũng; đồng thời, xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, làm ảnh hưởng đến tuy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức, vì mục đích, động cơ cá nhân.
5. Phổ biến, quán triệt sâu sắc nội dung Chị thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước và các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập đến toàn thể cán bộ, đảng viên; phát huy tính tự giác, trung thực và ý thức trách nhiệm của đảng viên trong việc kê khai tài sản, thu nhâp. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập các cấp phải nâng cao hiệu quả hoạt động xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; đảm bảo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, kịp thời, khách quan, theo quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
6. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng và hành vi khác có liên quan đến tham nhũng của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị do mình quản lý, phụ trách; thông báo công khai các vụ việc tham nhũng và cán bộ, đảng viên thực hiện hành vi tham nhũng để giáo dục, phòng ngừa, răn đe.
Sự vào cuộc tích cực, đồng bộ, toàn diện của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh nhà là yếu tố quyết định để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./. Ngọc Cư, Công an tỉnh