Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội 

(Chinhphu.vn) – Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 13, chiều 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội - Ảnh 1.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua một số nguyên tắc chung trong dự thảo Nghị quyết

Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tại phiên họp cho biết, thời gian vừa qua, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã chú trọng thực hiện.

Qua hoạt động giám sát cho thấy, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã đưa vào Chương trình công tác hằng năm về hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách, xác định là nhiệm vụ thường xuyên theo quy định của pháp luật. Việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, phần lớn văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng tốt, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp và tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội còn hạn chế như: Việc theo dõi, đôn đốc các cá nhân, cơ quan trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa được chú trọng, chưa thống nhất từ kỳ báo cáo kết quả giám sát đến trình tự, cách thức thực hiện cũng như việc xử lý kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Việc giám sát chủ yếu tập trung vào thời hạn ban hành, tính đầy đủ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, tuân thủ các quy định về hình thức văn bản, thẩm quyền ban hành văn bản. Việc phát hiện và kiến nghị cơ quan ban hành văn bản xử lý và báo cáo kết quả xử lý văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn chưa chủ động, chưa kịp thời, kém hiệu quả. Tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để…

Xuất phát từ thực trạng nêu trên, để góp phần đưa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật đi vào nền nếp, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là cần thiết và phù hợp với vị trí, chức năng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự thảo Nghị quyết gồm 3 chương và 14 điều. Chương I - Những quy định chung, gồm các quy định về phạm vi điều chỉnh; phạm vi giám sát; nội dung hoạt động giám sát.

Chương II - Trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện giám sát, gồm các quy định về theo dõi, tiếp cận và nghiên cứu, xem xét, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật; xử lý việc chưa ban hành văn bản quy định chi tiết và văn bản quy phạm pháp luật có nội dung có dấu hiệu trái pháp luật.  

Chương III - Báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát, gồm các quy định về cập nhật thông tin về kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật; Báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo kỳ giám sát hằng năm; hồ sơ Báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo kỳ giám sát hằng năm; chế độ báo cáo; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát; hiệu lực thi hành và tổ chức thi hành.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết hướng dẫn về việc giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội rất có ý nghĩa, cần phải làm nhanh.

Vừa qua, cơ quan chủ trì soạn thảo là Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, quá trình soạn thảo đã có cố gắng và hiện nay 3 chương với 14 điều đã cơ bản thể hiện rõ các nội dung; 3 ý kiến xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thẩm quyền ban hành Nghị quyết, phạm vi giám sát, kỳ báo cáo cũng đã nêu rất rõ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết hướng dẫn. 

Về phạm vi giám sát, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần phân công theo chức năng, nhiệm vụ và phối hợp giữa các cơ quan; không chỉ giám sát các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành mà còn giám sát cả các văn bản tổ chức thực hiện...; có giám sát thường xuyên, có giám sát theo chuyên đề, có giám sát theo hướng dẫn...

Về một số vấn đề khác có liên quan, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo cần tổng hợp hơn, bổ sung các nội dung về nguyên tắc giám sát, trình tự giám sát bao gồm cả xây dựng kế hoạch giám sát nói chung, kết luận giám sát.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua một số nguyên tắc chung trong dự thảo Nghị quyết trước khi tiếp tục hoàn thiện và ban hành trong tháng 7 này. 

Nguyễn Hoàng

150 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 950
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 950
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87197770