Các diễn giả trao đổi tại Diễn đàn (Ảnh: HNV).
Đây là những thông tin được nhấn mạnh tại Diễn đàn Quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày 30/11, tại Hà Nội. Diễn đàn do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức với sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS).
Tại Diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia, đại diện DNNN đã đối thoại, trao đổi thẳng thắn về cơ chế chính sách và thực trạng cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Cùng với đó là những rào cản, vướng mắc đối với tiến trình cổ phần hóa DNNN, tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đối với tiến trình cổ phần hóa. Thông qua trao đổi, thảo luận, góp ý, các chuyên gia kinh tế, đại diện DNNN đã đưa ra những đánh giá khách quan về vai trò của thiết chế hỗ trợ tái cơ cấu DNNN và đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả hoạt động của DNNN, nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNN trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Theo ThS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, việc Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới được thành lập vừa qua đã chứng minh một bước thay đổi quan trọng trong nâng cao quản trị DNNN. TS Nguyễn Đại Lai, Chuyên gia tài chính, ngân hàng bổ sung thêm, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới thành lập cần phải công khai minh bạch về chức năng, nhiệm vụ của Ủy Ban này trong việc quản lý, giám sát và theo dõi việc sử dụng của bên sử dụng và việc thu của bên ngành thuế từ các nguồn vốn của nhà nước còn nằm tại các doanh nghiệp hậu cổ phần hóa và là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc thúc đẩy tốc độ, hiệu quả của quá trình thoái vốn Nhà nước ra khỏi các doanh nghiệp đã cổ phần hóa.
Phân tích thêm về quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc DNNN, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, DNNN cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khan hiếm, dễ dàng tiếp cận nguồn vốn dài hạn, tăng cơ hội kinh doanh, đảm bảo quyền lợi và đối xử bình đẳng với các cổ đông cũng như quyền lợi của các bên liên quan khác, trong đó có an sinh của người lao động, chủ nợ và công chúng.
TS Lực cũng thẳng thắn chỉ ra, quản trị trong DNNN hiện nay của Việt Nam đang thiếu và yếu ở các khâu, các nội dung: tính công khai, minh bạch, trách nhiệm rõ ràng, hệ thống thông tin quản lý, vai trò của Ban kiểm soát/kiểm toán nội bộ; Cổ đông chưa thực sự quan tâm, thực hiện hết trách nhiệm, quyền lợi của mình; Chế tài và cưỡng chế chưa nghiêm; còn nhiều vi phạm. Bởi thế, cần có cơ chế, chính sách, qui trình đầy đủ, rõ ràng chiến lược và quản lý rủi ro tốt, rõ ràng trong phân công trách nhiệm…
Còn theo TS. Phạm Tuấn Anh, Đại học Thương Mại, trong quá trình đổi mới quản trị DNNN, cần lưu ý tới các yếu tố về con người, quản trị và công nghệ thông tin. Trong đó, có những điều chỉnh hợp lý liên quan tới tuyển dụng, luân chuyển, sa thải, đãi ngộ lao động, coi đây là một trong những nội dung không thể thiếu để phát triển DNNN bền vững.
Diễn đàn thu hút đông đảo sự quan tâm của đại biểu (Ảnh: HNV)
TS. Nguyễn Văn Khách, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN được đẩy mạnh trong suốt thời gian qua, đặc biệt, trong giai đoạn 2011 – 2018, cả nước đã cổ phần hóa được hơn 600 DNNN, tổng giá trị thu về cho ngân sách Nhà nước từ bán vốn Nhà nước thông qua cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đạt khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Cơ chế, chính sách về cổ phần hóa DNNN đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Tuy nhiên, để việc quản trị DNNN và tái cấu trúc thực sự hiệu quả, bền vững, vẫn cần phải lưu ý tới việc thực hiện nghiêm túc việc cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước theo quy định, nhất là với các DNNN là đối tượng theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020. Song song, các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Bên cạnh đó, yêu cầu các DNNN đã cổ phần hóa phải nghiêm túc thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, thực hiện các yêu cầu công bố thông tin đối với các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch. Ngoài ra, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư lớn trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư chiến lược tham gia sâu vào quá trình quản trị doanh nghiệp, tái cấu trúc doanh nghiệp. Thêm vào đó, có chính sách tuyển dụng theo cơ chế thị trường, chính sách đãi ngộ phù hợp để có thể tuyển dụng và giữ được các nhân sự cấp cao, nhân sự có chuyên môn.
Về quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc DNNN, ông Hoàng Trường Giang, Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, DNNN vẫn có vai trò chi phối nhiều ngành kinh tế then chốt và tập trung hơn vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng. Hệ thống DNNN đã và đang được đổi mới, sắp xếp lại, góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, cũng theo ông Giang, một số cơ chế, chính sách liên quan đến sắp xếp, tái cơ cấu DNNN ban hành chưa kịp thời; một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa tích cực, chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN. Kết quả sắp xếp, cổ phần hóa DNNN vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra... Thực trạng đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về tái cơ cấu doanh nghiệp, đặc biệt là tái cơ cấu DNNN ở những nước có hệ thống chính trị tương đồng với Việt Nam và kinh nghiệm quản trị DNNN hiện đại theo thông lệ quốc tế; từ đó góp phần quan trọng trong việc hoạch định chủ trương chính sách về tái cơ cấu và áp dụng khung quản trị hiện đại cho DNNN tại Việt Nam trong thời gian tới./.
Hà Anh