Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn 

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống văn hóa của nhân dân, là nơi giữ vị trí nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương, đáp ứng được nhu cầu về hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân ở các vùng, miền, tạo nền tảng vững chắc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

 Xuất phát từ vai trò quan trọng đó, để đáp ứng yêu cầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn”; Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết 05/2009/NQ- HĐND ngày 24/4/2009 “Về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục, thể thao; xây dựng thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao cơ sở và phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020”; Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐND ngày 13/4/2012 về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 05/2009/NQ- HĐND; Nghị quyết số 02/2014/NQ-HĐND ngày 25/4/2014 về huy động các nguồn lực và quy định mức hỗ trợ xây dựng nông thôn mới đến năm 2020. Những Nghị quyết trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng các thiết văn hóa, thể thao ở nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, trên địa bàn toàn tỉnh đã được quan tâm, đầu tư xây dựng từ đó tạo nên diện mạo mới, góp phần đa dạng hóa các loại hình hoạt động văn hóa và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Trong những năm qua các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn đều tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch sôi nổi, nhằm phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân và tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng quê. Các thế chế văn hóa thể thao ở nông thôn đã được đầu tư xây dựng, có trang thiết bị và phát huy hiệu quả hoạt động. Hội thi, hội diễn về văn hóa - văn nghệ và thi đấu thể dục - thể thao phong trào được duy trì tổ chức với số lượng và chất lượng ngày càng cao, thu hút đông đảo mọi đối tượng, mọi lứa tuổi quần chúng nhân dân tham gia. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo được sự đoàn kết của cộng đồng dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội.

Với những kết quả đã đạt được, các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn đã và đang khẳng định được vại trí, vai trò của mình trên con đường xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Với những nỗ lực tích cực của các địa phương, sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong tỉnh, đến nay việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn nông thôn tỉnh Quảng Trị đạt được kết quả quan trọng. Bằng nguồn xã hội hóa, nhiều địa phương, đơn vị, cá nhân đã đầu tư xây dựng hàng chục sân quần vợt, sân bóng đá mini, sân cầu lông, bóng chuyền… đáp ứng nhu cầu luyện tập của các tầng lớp nhân dân. Hầu hết các nhà văn hóa thôn, bản, khu phố đã được đầu tư mua sắm trang thiết bị như: loa, máy, tivi, bàn, ghế… phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội họp ở cộng đồng dân cư.

Nhìn chung các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở từng bước được xây dựng, hoàn thiện, đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân, góp phần nâng cao ý thức của nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy tính dân chủ, tinh thần đoàn kết, rút ngắn khoảng cách văn hóa giữa các vùng, khu vực trong tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn và công tác quản lý thiết chế văn hóa ở tỉnh ta hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Do kinh phí có hạn và nguồn nhân lực còn hạn chế về trình độ chuyên môn nên một số trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã hoạt động mang tính thời vụ, phong trào; một số nơi ít tổ chức được các hoạt động văn hóa - thể thao định kỳ nhằm duy trì thói quen sinh hoạt của nhân dân; một số trung tâm cơ sở vật chất, sân bãi, trang thiết bị chưa đầy đủ và do không có cán bộ chuyên trách nên chưa khai thác hết công năng của các cơ sở vật chất (một số nơi chỉ dừng lại ở việc hội họp, trưng bày, thiếu các hoạt động chuyên môn theo quy định). Quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa còn khó khăn; cơ chế chính sách thu hút các nguồn lực thực hiện xã hội hoá văn hoá chưa mạnh và đồng đều…

Vì vậy, trong thời gian tới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn trên địa bàn tỉnh ta trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nhất là đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn”; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh”, “Làng văn hóa, gia đình văn hóa”…

Hoàn thiện đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao cấp cơ sở theo quy hoạch, đảm bảo các xã và thị trấn được chọn để xây dựng nông thôn mới đều có Trung tâm văn hóa - thể thao để tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn như: liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, thi đấu, thi diễn các môn thể thao ở nông thôn, tạo điều kiện để người dân địa phương tham gia các hoạt động sáng tác và biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống; là nơi sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, các chương trình tuyên truyền về đề tài nông nghiệp, nông dân; đồng thời đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt văn hóa ngày càng cao của nhân dân.

Đầu tư xây dựng các sân luyện tập và thi đấu thể dục - thể thao cấp xã, đảm bảo 100% các xã nông thôn mới đều có sân bóng đá và sân bóng chuyền. Đẩy mạnh thực hiện các mô hình xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch, nhằm phát triển phong trào ở cơ sở, tạo điều kiện  nhân dân tham gia luyện tập, rèn luyện sức khỏe nâng cao thể chất. Xây dựng cơ chế lồng ghép, phối hợp giữa phong trào xây dựng đời sống văn hóa với chương trình mục mục quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tạo điều kiện để khôi phục lễ hội, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn. Kịp thời phát hiện và ngăn chặn các biểu hiện không lành mạnh trong các hoạt động văn hóa - thể thao – du lịch. Tăng cường làm tốt công tác quản lý nhà nước và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, thể thao, đảm bảo phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Qua đó, biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong các phong trào thi đua văn hóa, nghệ, thể thao ở nông thôn.

Có chính sách đầu tư phù hợp để cấp cơ sở có đủ nguồn lực về kinh phí, quy hoạch quỹ đất, nguồn nhân lực quản lý trong xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đạt quy chuẩn của Bộ VH,TT&DL. Cần có chính sách, cơ chế thuận lợi cho các tổ chức chính trị- xã hội, doanh nghiệp, cá nhân trong việc tham gia đóng góp xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao, đẩy mạnh công tác xã hội hóa văn hóa ở cơ sở; tăng cường công tác tập huấn cho cán bộ làm văn hóa, đặc biệt là cán bộ ở cấp cơ sở;

Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở cần phải có trình độ, năng lực, có tinh thần trách nhiệm cao, để làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Mặt khác, quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, các trang thiết bị được đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động văn hóa, thể thao. Trần Văn Toàn, Trường Chính trị Lê Duẩn

3638 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 695
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 695
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77102465