Quản lý nhà nước đối với công tác thanh niên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng xuất phát từ đòi hỏi đối với sự phát triển của thanh niên và cũng là một yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo con đường xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết 25-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH” đã khẳng định: Chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người “vừa hồng vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quan trọng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó nhấn mạnh trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên: "Nhà nước quản lý thanh niên và công tác thanh niên; thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng về thanh niên và công tác thanh niên thành pháp luật chính sách, chiến lược, chương trình hành động và cụ thể hoá trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh hằng năm của các cấp, các ngành".
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể và toàn xã hội, quản lý nhà nước về công tác thanh niên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc ban hành các cơ chế, chính sách bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thanh niên, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tiềm năng to lớn của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; góp phần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng thanh niên, bảo vệ thanh niên trước tác động của những tiêu cực và tệ nạn xã hội, sự tấn công của các thế lực thù địch; đề cao trách nhiệm của chính quyền, các cấp, các ngành, gia đình, xã hội đối với thanh niên và công tác thanh niên.
Thực hiện Luật Thanh niên năm 2020, Quyết định số 1331/QĐ-TTg, ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1113/QĐ-BNV ngày 17/10/2021 của Bộ Nội vụ về ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-HĐND, ngày 09/12/2022 về Phát triển thanh niên tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2030, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3404/QĐ-UBND, ngày 28/12/2022 về Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2030; Kế hoạch số 238/KH-UBND, ngày 30/12/2022 triển khai Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025 và Kế hoạch số 30/KH-UBND, ngày 9/2/2023 thực hiện Chương trình Phát triển thanh niên tỉnh Quảng Trị năm 2023. Các Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch đã đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm bao quát tất cả các lĩnh vực phát triển thanh niên, gồm: Giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp, việc làm, khởi nghiệp, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, thể thao, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, phát huy vai trò tổ chức Đoàn. Ngoài triển khai 21 Chương trình, Đề án, Dự án của Trung ương quy định tại Quyết định số 1331/QĐ-TTg, tỉnh Quảng Trị xây dựng, ban hành thêm 04 Chương trình, Đề án, chính sách, gồm: Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho thanh niên khuyết tật, thanh niên hoàn lương, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đề án phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong thanh niên. Đề án tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp cho thanh niên gắn với các dự án động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh để các đối tượng thanh niên vay vốn khởi nghiệp, lập nghiệp.
Các chính sách đối với thanh niên trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời, phổ biến rộng rãi. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được duy trì và triển khai thường xuyên. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” và Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030”. Thành lập 125 Tổ Công nghệ số cộng đồng tại 09 huyện, thị xã, thành phố, giúp thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số, nâng cao kỹ năng tham gia mạng xã hội cho thanh niên.
Công tác giáo dục, đào tạo, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ được quan tâm. UBND tỉnh đã xây dựng giải thưởng Bùi Dục Tài, theo đó, trao giải thưởng cho các đối tượng là thanh niên đạt thành tích cao trong trường THPT, sinh viên đại học, thạc sỹ, tiến sĩ và thực hiện Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND, ngày 20/7/2019 của HĐND tỉnh về phát triển trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chính sách khen thưởng đối với học sinh đạt giải cao tại các kỳ thi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (trong đó, các đối tượng thanh niên được khen thưởng gồm học sinh đạt giải quốc gia từ 05 triệu đến 20 triệu đồng, đạt giải quốc tế từ 10 triệu đến 60 triệu đồng, khu vực quốc tế từ 08 triệu đến 48 triệu đồng; học bổng khuyến khích học tập cho học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn…). Tổ chức cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh với 98 dự án dự thi (17 dự án cá nhân và 81 dự án tập thể); trao 61 giải (03 Nhất, 08 giải Nhì, 23 giải Ba và 27 giải Tư; chọn 02 dự án dự thi cấp quốc gia trong đó có 01 dự án đạt giải Khuyến khích cấp Quốc gia). Tổ chức cuộc thi “Tin học trẻ”, “Sáng tạo trẻ” tỉnh Quảng Trị, tạo cơ hội thể hiện năng lực khoa học công nghệ, đáp ứng nhu cầu chính đáng của thanh niên trong toàn tỉnh.
Về lao động, việc làm cho thanh niên, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2022; kế hoạch triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; kế hoạch chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tổ chức Hội nghị “Gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm”; đã ký kết 02chương trình hợp tác trong tuyển sinh, đào tạo và tuyển dụng lao động sau đào tạo. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào Tạo, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho hơn 15.000 lượt thanh niên; 51 buổi tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động với hơn 9.500 lượt thanh niên, bộ đội xuất ngũ tham gia. Thực hiện chính sách vay vốn giải quyết việc làm với lãi suất vay bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo; mức vay tối đa đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm; mức vay vốn tối đa đối với người lao động (kể cả thanh niên hoàn lương và thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương) là 100 triệu đồng/lao động; thời hạn vay vốn tối đa 120 tháng. Ngân hàng chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh; đến ngày 31/8/2022 đã phê duyệt hỗ trợ tiền thuê nhà cho 389 lao động/24 đơn vị với số tiền 583 triệu đồng. Lao động toàn tỉnh, trong đó có lao động thanh niên được hỗ trợ kinh phí do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng. Năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho khoảng 15.658 lượt lao động (đạt 130,5% kế hoạch), trong đó xuất khẩu lao động 2.166 người, trong đó chủ yếu là thanh niên. Hỗ trợ thanh niên tham gia giao dịch trên kênh hỗ trợ tiêu thu sản phẩm thanh niên khởi nghiệp Quảng Trị online: Quangtrimart.vn với 30 nhóm ngành hàng, 55 gian hàng, 200 sản phẩm được đăng bán. Đoàn thanh niên tổ chức 15 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho thanh niên thu hút 850 thanh niên tham gia; phối hợp với Sở Công Thương, Cục Thương mại điện tử - Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức tập huấn thương mại điện tử cho 100 thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Công tác nâng cao đời sống văn hóa, thể thao, giải trí cho thanh niên được chú trọng. Các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho thanh niên. Luôn quan tâm giáo dục nâng cao nhận thức cho thanh niên về sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống, kiến thức về bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh, sơ sinh đến năm 2030 trong địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung về tư vấn, khám sức khỏe cho nam nữ thanh niên trước khi kết hôn, đã triển khai tại 40 xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn 09 huyện. Đến nay có 40 Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân” thu hút 3.000 nam nữ thanh niên tham gia. Ngoài ra, đưa nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản vào giáo dục trong các trường trung học phổ thông bằng hình thức ngoại khóa và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng các mô hình điểm tại các xã và các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của thanh niên, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực. Hàng năm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đều giảm.
Để nắm tình hình, nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của thanh niên, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị đối thoại với thanh niên tỉnh Quảng Trị. Các ý kiến của thanh niên đã được Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tiếp thu, trả lời và cung cấp các thông tin chính sách liên quan. Năm 2022, UBND tỉnh chỉ đạo các sở ban, ngành, địa phương tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cần thiết cho thanh niên và công tác quản lý nhà nước về thanh niên trên các lĩnh vực: Tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Tập huấn nghiệp vụ quản lý công tác giáo dục nghề nghiệp; Tập huấn nâng cao năng lực cho thanh niên ngành Lao động, Thương binh và Xã hội về công tác trẻ em, thanh thiếu niên, nhi đồng; Tập huấn về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tập huấn chuyển đổi khoa học kỹ thuật và sử dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho thanh niên; Tập huấn cài đặt và khai thác thông tin ứng dụng, dịch vụ công trực tuyến; Tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đoàn - Đội cho giáo viên, cán bộ Đoàn, tổng phụ trách Đội.
Những kết quả đạt được đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên trên địa bàn tỉnh, nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình, mục tiêu, đề án liên quan đến thanh niên, phát huy vai trò của thanh niên trong các hoạt động gắn kết với cộng đồng, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên.
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thanh niên, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục chỉ đạo triển khai, quán triệt Luật Thanh niên năm 2020; Nghị quyết số 45/NQ-CP, ngày 11/9/2009 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các văn bản quy phạm pháp luật về thanh niên, các biện pháp để thực hiện chính sách đối với thanh niên và nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên. Hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về công tác thanh niên; kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác thanh niên, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh niên, đội ngũ cán bộ đoàn ở các cấp có đủ phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực công tác ngang tầm với nhiệm vụ được giao; xây dựng mạng lưới cơ sở dữ liệu về thanh niên và công tác thanh niên. Tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên. Tiếp tục rà soát, thẩm định các đối tượng thanh niên xung phong để giải quyết chế độ chính sách theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác đối thoại giữa lãnh đạo UBND với thanh niên để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của thanh niên. Tăng cường phối hợp giữa Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND trong thực hiện chương trình, kế hoạch liên quan đến thanh niên trên địa bàn./. Thủy Phương