Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền  

Công tác giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, qua đó góp phần nâng cao vị thế, vai trò, quyền, trách nhiệm của Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội trong thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Xác định được tầm quan trọng của công tác này, Tỉnh ủy Quảng Trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý  xây dựng đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, để tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 59-KH/TU, ngày 10/3/2014 và Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 09/9/2014 “Về việc thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quy định về Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền”; tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện đến cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện; chỉ đạo các Đảng bộ trực thuộc tổ chức quán triệt, học tập Quy chế, Quy định theo Quyết định 217, 218-QĐ/TW và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho các tổ chức trong hệ thống chính trị ở các cấp. Định kỳ hàng quý, hàng năm, Thường trực Tỉnh uỷ chủ trì Hội nghị giao ban Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh để nghe báo các kết quả hoạt động chuyên môn gắn với kết quả thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội để có định hướng chỉ đạo kịp thời.

Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện, góp ý xây dựng đảng, chính quyền gắn với trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ngày 29/03/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 907-QĐ/TU Về việc ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân sau giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền” và Quyết định số 908-QĐ/TU, ngày 29/03/2018 Về việc ban hành Quy định về tổ chức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh”. Hàng năm, Thường trực Tỉnh uỷ phê duyệt nội dung giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh.

Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sau 05 năm thực hiện các Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, từng bước đi vào nề nếp và hiệu quả, được dư luận đồng tình ủng hộ. Các huyện, thị, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ, các Đảng đoàn, Ban cán sự đảng, BTV Tỉnh Đoàn đã nghiêm túc ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức phổ biến quán triệt  thực hiện Quy chế, Quy định đến đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị của từng địa phương, đơn vị. Kết quả có 9/10 huyện, thị, thành uỷ; 3 Đảng uỷ trực thuộc; 5 Đảng đoàn, Ban Thường vụ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh đã ban hành kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Kết quả trong 5 năm qua, UBMTTQVN tỉnh đã tổ chức được 10 cuộc giám sát, sau giám sát đã kiến nghị 159 vấn đề; các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh tổ chức được 81 cuộc giám sát, Ban thường trực UBMT các huyện, thị xã, thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp thực hiện được 392 cuộc giám sát, tập trung những nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Qua giám sát, đã đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, chỉ ra nguyên nhân và kiến nghị đến các cấp, các ngành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, kịp thời điều chỉnh những quy định không phù hợp và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.

Về  phối hợp giám sát, 5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh giám sát hơn 105 cuộc trên các lĩnh vực tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh. Phối hợp với VKSND tỉnh giám sát 26 cuộc tại Nhà tạm giữ, tạm giam theo chức năng, nhiệm vụ và quy chế phối hợp. Thông qua công tác phối hợp giám sát, các ngành chức năng đã kịp thời phát hiện những hạn chế, vi phạm, qua đó đã hướng dẫn và yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần có biện pháp khắc phục. Kết quả về lĩnh vực BHXH: Đã xử lý buộc các doanh nghiệp lập thủ tục đăng ký tham gia và truy đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 251 người lao động thuộc diện tham gia bắt buộc, xử lý thu hồi nợ đọng tiền BHXH, BHYT, BHTN 13.493.000.000 đồng. Đến nay, tỉ lệ người lao động được ký kết HĐLĐ đạt 96%, bình quân mỗi năm có gần 100 doanh nghiệp xây dựng và báo cáo thang, bảng lương và nội quy lao động với cơ quan quản lý nhà nước. Hoàn thành việc triển khai Đoàn giám sát chung“Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới” của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh theo kế hoạch, nội dung đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt năm 2018 và tổng hợp đề nghị các cơ quan chức năng trả lời, giải quyết sau giám sát theo quy định.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tham gia phản biện  việc xây dựng các đề án về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, dự thảo văn bản về chủ trương, nghị quyết của cấp uỷ đảng cùng cấp, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân do các cơ quan, tổ chức thẩm quyền cùng cấp ở địa phương yêu cầu. Trong 5 năm qua, đã phối hợp tham gia góp ý kiến vào 28 Dự thảo các Luật, Bộ luật, 235 dự thảo các văn bản Quy phạm pháp luật, các dự án, đề án từ Trung ương đến địa phương; tham gia thẩm định hơn 73 đề án, dự án đầu tư công về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Song song với thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị được UBMTTQVN và các đoàn thể các cấp triển khai đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 5 năm qua, MTTQ các cấp đã tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng các cấp với 369 ý kiến đóng góp; tổng hợp, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân đến các kỳ họp của Quốc hội; tham gia 77 ý kiến, kiến nghị đến kỳ họp HĐND tỉnh; cấp huyện có trên 300 và cấp xã có trên 1.876 ý kiến trên các lĩnh vực đến kỳ họp HĐND cùng cấp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền còn gặp một số hạn chế, khó khăn, đó là: Năng lực của đội ngũ cán bộ Mặt trận, các đoàn thể còn hạn chế, nhất là kiến thức về pháp luật, kinh tế, xã hội, kinh nghiệm, kỹ năng công tác, thiếu chính kiến khi giám sát, phản biện xã hội; việc tiếp thu giải quyết ý kiến, kiến nghị của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội sau giám sát ở một số cơ quan chưa thoả đáng; nội dụng giám sát ở một số lĩnh vực còn trùng lặp, chưa trọng tâm, trọng điểm. Việc phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn cấp tỉnh và Ban tư vấn cấp huyện chưa được quan tâm đúng mức, chưa thu hút và phát huy tốt vai trò của các chuyên gia có kinh nghiệm trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, có khả năng phân tích, tổng hợp, tình nguyện vào các hoạt động phản biện xã hội. Điều kiện cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội còn khó khăn. Tính chủ động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và đoàn viên, hội viên, Nhân dân trong việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chưa cao, chủ yếu thực hiện góp ý khi cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị yêu cầu; sự phối hợp của MTTQ, các đoàn thể trong công tác giám sát, phản biện có lúc, có việc chưa chặt chẽ; tại các buổi đối thoại, người dân chủ yếu đề nghị giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của cá nhân, còn việc góp ý đối với sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền địa phương chưa nhiều.

Để tiếp tục triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền ngày càng sâu rộng và hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Quy chế, Quy định theo các Quyết định 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân. Phát huy vai trò của cấp uỷ, tổ chức đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục nghiên cứu thực hiện đúng các nội dung quy trình giám sát, phản biện; phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gắn với việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.. Chính quyền các cấp phối hợp và tạo điều kiện để Mặt trận các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; có trách nhiệm cân đối ngân sách, bố trí kinh phí để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quy chế, Quy định của Bộ Chính trị. Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục tham mưu cấp uỷ triển khai thực hiện Quyết định số 908-QĐ/TU, ngày 29/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “Về việc ban hành Quy định về tổ chức, giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh”; nâng cao chất lượng phối hợp tham gia giám sát với các ngành tại địa phương, đơn vị; làm tốt công tác  phối hợp giám sát việc xử giải quyết các đơn thư, kiến nghị, các nội dung sau giám sát. Tổ chức góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 907-QĐ/TU, ngày 29/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “Về việc ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân sau giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền”; tích cực tham gia cùng  cấp uỷ, chính quyền tổ chức tiếp dân, đối thoại theo định kỳ hàng năm giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền cùng cấp với Nhân dân. Phối hợp thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 20/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên”.. Hằng năm, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tăng cường hướng dẫn việc thực hiện các Quy chế, Quy định của Bộ Chính trị. Bám sát Nghị quyết Đại hội, chương trình hành động của cấp uỷ; nghị quyết HĐND các cấp, những vấn đề đoàn viên, hội viên và Nhân dân quan tâm để xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phù hợp, sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Tập hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh đến cấp uỷ, HDND, UBND cùng cấp; theo dõi việc giải quyết các kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo và những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân, những vấn đề bức xúc mà nhân dân quan tâm; giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan Đảng, Nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng và hoà giải ở cơ sở.. Tăng cường công tác kiểm tra, gián sát, đánh giá tình tình và kết quả thực hiện các Quyết định số 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị gắn với việc thực hiện các chủ trương, Quy chế, Quy định của Đảng, Nhà nước, của tỉnh liên quan đến giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; chỉ đạo, hướng dẫn đảm bảo việc thực hiện Quy chế, Quy định có tính thống nhất, thường xuyên, liên tục. Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, hiểu biết, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn; sơ kết, tổng kết gắn với biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể tiêu biểu, điển hình. Thuỷ Phương

 

1582 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1013
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1013
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87158640